Hai tháng qua đi thật nặng nề, chậm chạp, đã có lúc tôi gần như kiếm
sống bằng cách ngửa tay cầu xin lòng thương cảm của khách qua đường
phố. Đang tính chuyện phá lời nguyền, về làng trở lại kiếp sống tủi nhục,
thì được tin chủ thầu người Pháp mộ phu đi làm đường, tôi ghi tên liền.
Nhưng rồi vẫn cảnh tủi cực lầm than. Con đường chúng tôi mở ngày ấy
là đường số 7 bây giờ (nối thành phố Vinh với nước Lào). Cậy thế có tiền,
bọn chủ thầu cho chúng có quyền, bắt dân phu phải làm hết mình, ai mỏi
mệt trễ nải công việc là chúng chửi mắng, đánh đập, dùng roi vọt hối thúc
phải quên mệt, quên đói, quên ốm đau tiếp tục đi làm. Lao động vất vả nặng
nhọc nên đau yếu, bệnh tật, chết chóc diễn ra như cơm bữa. Ngày nào cũng
có chuyện người sa chân xuống vực, người bị núi lở, đá đè; rồi phù thũng,
ngộ độc ngã nước sốt rét, ghẻ lở chấy rận. Tôi vẫn được anh em xếp vào
loại tuổi “bẻ gãy sừng trâu” vậy mà sang tháng thứ tư bị sốt rét rừng quật
ngã, đến tháng thứ chín chịu không nổi cảnh đói rét, bệnh tật với công việc
nặng nhọc, nguy hiểm, phải bỏ về, giã từ đời “dân phu lục lộ” cho Tây.
Trở lại Hà Đông với một tâm trạng phẫn chí đến cùng cực, thì có tin
Pháp mộ lính, tôi lại đăng tên với ý nghĩ giản đơn như nhiều thanh niên
nghèo hồi ấy - âu cũng là một nghề. Vào hôm trước, hôm sau bọn chỉ huy
Pháp lùa chúng tôi lên xe đi qua Lai Châu. Đúng là lúc này bữa ăn hàng
ngày không phải lo, nhưng hơn một năm ở lính (từ giữa 1943 đến đầu năm
1945), tôi dần dần hiểu ra cái kiếp nô lệ da vàng. Cũng là lính như nhau,
nhưng lính Tây lương cao hơn, có quyền thế hơn, không phải lao công tạp
dịch như lính người Việt. Tận mắt tôi thấy chúng tra khảo, hành hạ dã man
một người thanh niên cũng nghèo khổ, cũng mất cha, mất mẹ, cũng cửa nhà
tan nát như tôi cho đến chết với cái tội “làm Cộng sản” (!).
Sự tận mắt này đã thức tỉnh trong nếp nghĩ của tôi. Tuy chưa hiểu cặn kẽ
các hành động của chúng lúc ấy là thống trị, đàn áp, là xâm lược nhưng
cũng đủ lý do khiến tôi chán ngán, quyết định từ bỏ cuộc đời làm lính, trốn
về xuôi tìm nghề khác.