Quan điểm này thật sự rất có ý nghĩa trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ hiện
nay đang quay trở lại một cách tinh vi qua những hàng rào phi thuế quan như
“hạn chế xuất khẩu tự nguyện”, các biện pháp trợ cấp hay kế hoạch giải cứu cho
doanh nghiệp trong nước, các điều khoản bắt buộc mua hàng trong nước đậm
chất dân tộc chủ nghĩa (ví dụ như điều khoản “Người Mỹ dùng hàng Mỹ” của
chính quyền Obama), những động thái áp thuế chống phá giá… Trong lúc quá
trình hồi phục của nền kinh tế toàn cầu trước mắt vẫn còn tồn tại nhiều nhân tố
bất ổn, nguy cơ suy thoái kép vẫn còn treo lơ lửng, sự trở lại của chủ nghĩa bảo
hộ sau gần 3 thập niên tự do hóa thương mại giống như một kiểu giải khát bằng
rượu độc. Theo những người phản đối chủ nghĩa bảo hộ như Schuman, các hành
vi bảo hộ thương mại trong thời gian ngắn có thể mang đến những thuận lợi
nhất định cho những nước khởi xướng chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, về lâu dài,
chúng sẽ cản trở nền kinh tế thế giới phồn thịnh, đặc biệt sẽ ảnh hưởng rộng tới
các nước có thu nhập thấp và các nước đang phát triển, gia tăng nghèo khó cho
các khu vực này.
Ngô Thị Tố Uyên