nghiệp duy trì một sức khỏe tài chính tốt. Người dân có xu hướng tiết kiệm thay
vì hoang phí. Khi thương mại phát triển, phần lớn các nước châu Á tự bảo vệ
mình bằng cách xuất siêu và tích trữ ngoại tệ. Họ tích cực mở rộng đón thương
mại nước ngoài, thu hút nguồn đầu tư, giảm được nợ đồng thời điều chỉnh mô
hình tăng trưởng kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và các gói
kích thích kinh tế của chính phủ, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa.
Các nước cũng nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của mình, hướng tới các
nền kinh tế đã tăng trưởng mạnh mẽ thay vì chỉ nhắm chủ yếu tới thị trường Mỹ.
Có thể ví những thất bại là những liều vaccine có tác dụng giúp châu Á bật lại
nhanh các sau đợt suy giảm mạnh. Đây cũng chính là điều mà hơn một lần
Schuman đã khẳng định một cách lạc quan tin tưởng.
Nhưng, bức tranh phát triển thần kỳ của châu Á qua câu chuyện kể của nhà
báo kinh tế lão luyện này không chỉ có gam màu hồng. Schuman đã thẳng thắn
chỉ ra những mặt tối như sự kiềm chế chính trị, chủ nghĩa thân hữu và sự mở
rộng doanh nghiệp thiếu kiểm soát và liều lĩnh. Nhiều công ty hưởng lợi từ quan
hệ gần gũi với các lãnh đạo chuyên chế đã điên cuồng vay nợ vượt quá khả năng
chi trả của họ. Phát triển cũng đi kèm với những thách thức to lớn chưa từng có
như khoảng cách giàu nghèo gia tăng, ô nhiễm môi trường… Đáng tiếc là tác
giả chưa thật sự đề cập nhiều đến vấn đề này trong Châu Á thần kỳ .
***
Ngoài việc lý giải nguyên nhân thành công của châu Á, Schuman còn bày tỏ
quan điểm ủng hộ toàn cầu hóa của mình. Như trong phần kết của sách, tác giả
khẳng định không chỉ có châu Á mà cả Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự phát triển
kỳ diệu về kinh tế của châu Á. Ngay chính Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
cũng phát biểu ngày 11/1/2010 sau một chuyến công du châu Á: “Chúng ta bắt
đầu từ một tiền đề đơn giản là tương lai của Mỹ gắn liền với tương lai của khu
vực châu Á - Thái Bình Dương và tương lai của khu vực này cũng phụ thuộc
vào Mỹ”. Nói cách khác, sự cất cánh của châu Á không đồng nghĩa với xuống
thế của phương Tây mà đơn giản chỉ là châu Á sẽ trở thành một người tham dự
chính thức trên sân chơi toàn cầu, tương xứng với quy mô và sinh lực của mình.