sách và thể chế kinh tế siêu việt và độc đáo của các nền kinh tế châu Á, mô hình
kinh tế mở đã giúp tạo nên điều kỳ diệu về kinh tế của châu Á.
Qua phản biện của Schuman, bạn đọc sẽ thấy việc chỉ ra công thức chính xác
cho loại “tiên đan” thành công kinh tế này là một điều vô cùng khó. Dù vậy, tác
giả vẫn nỗ lực đi tìm lời giải thích cho sự chuyển mình kỳ diệu của châu Á
thông qua một lăng kính khác mang tính phát hiện: con người. Theo Schuman,
“kể từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay, khu vực này đã “may mắn”
có hàng loạt những chính trị gia lỗi lạc cùng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp
năng động, tài ba quyết tâm đạt mục tiêu thành công về kinh tế”.
Từ đây, Schuman khắc họa sống động hàng loạt chân dung các nhà hoạch
định chính sách, lãnh đạo quốc gia và doanh nhân quan trọng nhất đứng đằng
sau sự cất cánh diệu kỳ về kinh tế của châu Á. Những nhân vật khác nhau với
những tính cách đặc biệt riêng có đã hiện ra qua những giai thoại được thuật lại
một cách lôi cuốn, hấp dẫn đủ để những độc giả đã có một nền tảng hiểu biết
vững chắc nhất định về lịch sử của châu Á vẫn thấy thích thú. Đối với Nhật bản,
Schuman tô đậm vai trò lãnh đạo của “con quỉ” Shigeru Sahashi, một công chức
hành chính sự nghiệp của Bộ Thương mại và Công nghiệp được xem là hiện
thân cho sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Về phía doanh nhân, nhà
sáng lập công ty Sony, ông Akio Morita, người đã thách thức các quan chức
hoạch định công nghiệp Nhật Bản để xây dựng đế chế của riêng mình, được
nhắc đến nổi bật. Hàn Quốc thì có nhà độc tài quân sự Park Chung Hee, người
đã đã học theo Nhật Bản và đổ tiền vào một số lĩnh vực nhất định. Đi cùng với
Park là doanh nhân yêu thích của ông, Chung Ju Yung, người sáng lập tập đoàn
Hyundai, một ông trùm vươn tay ra rất nhiều lĩnh vực từ xây dựng đường xá đến
sản xuất ôtô, đóng tàu.
Đối với Trung Quốc, Schuman miêu tả những cải cách của Đặng Tiểu Bình
và nhấn mạnh vào quyết định của ông cho phép thành lập các đặc khu kinh tế.
Vai trò của những người dưới quyền Đặng Tiểu Bình như Triệu Tử Dương, Hồ
Diệu Bang cũng được ghi nhận. Tiếp đó, Schuman nhắc đến Liễu Truyền Chí,
ông chủ của công ty Lenovo từng thực hiện thương vụ chấn động: mua lại thị
phần sản xuất máy tính cá nhân của IBM.