đã cho phép các nền kinh tế đang nổi, bao gồm cả Trung Quốc, được có tiếng
nói lớn hơn trong các quyết định của thể chế tài chính hàng đầu thế giới này.
Những nhận định, dự báo và sự kiện đã xảy ra ở trên một lần nữa khẳng định
sự năng động về kinh tế của châu Á cũng như thêm một lần xác nhận “sự thần
kỳ châu Á”.
Sự thần kỳ đó đã diễn ra như thế nào? Michael Schuman, phóng viên người
Mỹ chuyên viết về kinh tế châu Á của tạp chí Time và trước đây là của tờ Wall
Street Journal , đã kể lại cho chúng ta nghe câu chuyện này qua một cuốn sách
mới mang tên Châu Á thần kỳ: Sử thi về hành trình tìm kiếm sự thịnh vượng
của châu Á . Từ “Miracle” (tùy từng ngữ cảnh được chúng tôi chuyển ngữ thành
“Phép màu”, “Sự thần kỳ” và “Điều kỳ diệu”) được Michael Schuman lặp đi lặp
lại trong cuốn sách như một ẩn số về sự phát triển kỳ lạ của châu Á mà tác giả
cần phải đi tìm cho ra lời giải đáp.
Câu chuyện với nhiều phong vị mới, hấp dẫn của Schuman bắt đầu từ Nhật
Bản, nơi bắt nguồn của “mô hình phát triển châu Á” - một kiểu cơ chế quản lý
kinh tế tập trung trong đó nhà nước giữ vai trò trung tâm kiểm soát mà sau này
trở thành hình mẫu cho nhiều con hổ, con rồng châu Á khác. Ai cũng biết, bất
chấp hậu quả tàn phá nặng nề sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đất nước Mặt trời
mọc đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng được
coi là “sự thần kỳ Nhật Bản”. Chỉ trong vòng 2 thập niên 60 và 70 của thế kỷ
20, từ vị thế một nền kinh tế nghèo, chậm phát triển, Nhật Bản đã thăng hoa, trở
thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ - nước đã phát triển liên tục trước
Nhật Bản hơn một thế kỷ. Đó là nhờ Nhật Bản ưu tiên lấy xuất khẩu làm động
lực tăng trưởng kinh tế mới.
Sang đến những năm 80 của thế kỷ 20, kinh tế Nhật Bản bắt đầu phát triển
chậm lại, thậm chí lâm vào thời kỳ suy thoái kéo dài trong suốt thập niên 90 –
“Thập niên mất mát”. Tiếp tục mạch truyện “Châu Á thần kỳ”, Schuman dẫn dắt
người đọc đến với những con rồng mới của kinh tế châu Á: 4 nền kinh tế công
nghiệp mới (NICs) gồm Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung
Quốc) và Singapore. Malaysia cũng gây chú ý và Indonesia cũng trở thành một
hiện tượng về sự phát triển thần kỳ.