CHƯƠNG 3
NHỮNG GIÁ TRỊ CHÂU Á CỦA VỊ BỘ TRƯỞNG CỐ VẤN
Theo bản chất tự nhiên và kinh nghiệm, chúng ta không bị cuốn hút
vào những vấn đề lý thuyết. Điều mà chúng ta quan tâm
là những giải pháp thực tế cho những khó khăn vướng mắc của mình.
LÝ QUANG DIỆU
Lý Quang Diệu đã mệt lử nhưng vẫn không tài nào ngủ được. Ông trở mình
qua trở mình lại, không thể nào làm cho tâm trí dịu lại. Lý Quang Diệu có lý do
chính đáng để mà lo lắng. Ngày mai, 9/8/1965, ông sẽ trở thành Thủ tướng đầu
tiên của một quốc gia mới có chủ quyền: Singapore.
Lý Quang Diệu đón nhận nhiệm vụ này với một tâm trạng lo lắng rối bời.
Khác với Nehru, Park hay hầu hết các nhà lãnh đạo hậu thuộc địa khác, những
người xem tự do của họ như là cơ hội để tạo lập sự hùng mạnh của quốc gia, Lý
Quang Diệu lại nghi ngờ về khả năng tồn tại của Singapore nhỏ bé với tư cách
là một nhà nước độc lập. Suốt hai năm trước, vùng đất Singapore vốn là thuộc
địa của Anh vẫn còn là một phần trong liên bang Malaysia. Lý Quang Diệu đã
tin rằng mối quan hệ cộng tác đó đóng vai trò quyết định đối với sự tồn vong
của Singapore nhưng sự kết hợp hóa ra là một điều bất hạnh. Mối quan hệ giữa
Lý Quang Diệu với chính phủ liên bang ở Kuala Lumpur trở nên quá tồi tệ đến
nỗi không thể tiếp tục duy trì liên bang. Những cuộc đàm phán giận dữ cuối
cùng về việc ly khai làm cho ông rã rời và sức ép của trọng trách chờ chực phía
trước đè nặng lên tâm trí ông. Suốt đêm đó, ông thức dậy gần như mỗi giờ, lấy
tập giấy ghi chú ra để điền thêm vào danh sách dài dằng dặc những việc cần
phải làm.
10h sáng, Singapore tuyên bố trở thành quốc gia độc lập. Lý Quang Diệu quá
bận rộn để đọc lời tuyên bố trước khi nó được thông báo ra toàn thế giới. Hai
giờ sau, ông xuất hiện tại một buổi họp báo ở đài truyền hình Singapore. Ông
chọn trả lời vài câu hỏi và sau đó kể lại chi tiết những sự kiện đầy kịch tính của
nhiều ngày trước. Việc chấm dứt là một phần trong liên bang với Malaysia được