Một phần lớn của vấn đề là sự bất ổn về chính trị. Khi cuộc bầu cử Hàn Quốc
chỉ còn cách vài ngày nữa là sẽ diễn ra, chính quyền đã ký thỏa thuận với IMF
sắp sửa không còn đương nhiệm bao lâu nữa. Kim Dae Jung là người có nhiều
triển vọng đắc cử tổng thống nhưng ông không khiến cho người ta tin tưởng
lắm. Ông phát biểu nghe có vẻ như rất giống Mahathir và đồng Won, giống như
đồng Ringgit, cũng đang bị ảnh hưởng vì hệ quả của những lời phát biểu đó.
Đầu tháng 12, Kim Dae Jung nói với cử tri rằng ông sẽ “(đưa Hàn Quốc) vượt
qua tình trạng bị IMF làm bẽ mặt”. Nếu trúng cử, ông cam kết sẽ “theo đuổi
những cuộc đàm phán mới IMF để giành lại quyền tự trị kinh tế của chúng ta”.
Cộng đồng tài chính quốc tế lo ngại nhưng cử tri Hàn Quốc thì bầu cho Kim
vào ngày 18/12, một điều mà tự trong bản thân nó đã là một thành tích đáng
kinh ngạc. Dân chủ vẫn còn là chuyện mới mẻ tại Hàn Quốc và sự thật là một
cuộc bầu cử tự do được tổ chức trong bối cảnh đất nước Khủng hoảng là một
minh chứng rõ ràng cho thấy những tư tưởng dân chủ đã được tiếp nhận nhanh
như thế nào. Đối với Kim Dae Jung, chiến thắng là một sự đền đáp cho 30 năm
chiến đấu và hi sinh. Tuy nhiên, phần thưởng của ông là bước chân vào Nhà
Xanh giữa lúc nền kinh tế Hàn Quốc đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc
chiến tranh liên Triều. “Tôi đang than khóc cho số phận của mình,” ông nói.
Tình hình kinh tế của Hàn Quốc trở nên xấu đi sau khi Kim Dea Jung đắc cử
và giá trị của đồng Won lại lập những mức đáy mới. Với số nợ nước ngoài lên
tới khoảng 15 tỉ USD sắp sửa tới hạn phải trả vào cuối tháng 12, khả năng Hàn
Quốc bị vỡ nợ hoặc phải buộc phải giãn nợ trở nên có thật. Kim cảnh báo người
dân rằng Hàn Quốc “có thể bị vỡ nợ”.
Tuy nhiên, bây giờ khi đã ngồi vào
chiếc ghế quyền lực, ông mới thức tỉnh trước tình trạng hỗn loạn do những lời
vận động tranh cử hoa mỹ của ông gây ra. Vì vậy, trái với Mahathir, ông bắt đầu
dịu giọng với IMF. Sau khi giành được chiến thắng bầu cử, Kim Dea Jung đã
nhận được một cuộc điện thoại chúc mừng của Tổng thống Mỹ Bill Clinton,
người đã tận dụng cơ hội này để thúc ép Kim phải cải cách nền kinh tế. Kim hứa
sẽ hợp tác chặt chẽ với IMF. Ông nói với Clinton: “Nếu có bất kỳ hành động cần
thiết nào mà chúng tôi cần phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Đừng lo ngại về điều
đó.”