chính là ông ấy.” Khi Kohli sang TCS, công ty chủ yếu giải quyết việc xử lý dữ
liệu và lập trình phần mềm cơ bản cho những công ty khác của gia đình Tata.
Kohli nhận ra rằng để đưa TCS thành một doanh nghiệp độc lập, tồn tại được,
ông cần phải có hợp đồng công việc không chỉ xuất phát từ trong nội bộ. Ông
bắt đầu chào hàng các dịch vụ do các nhân viên của mình làm ra đến các công ty
Ấn Độ khác. Trong vài năm sau đó, ông kiếm được một ít hợp đồng lớn, trong
đó có một hợp đồng vi tính hóa danh bạ điện thoại đồ sộ của thành phố
Mumbai. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp đất nước Ấn Độ
là một nhiệm vụ phi thường. Tại Ấn Độ, khi đó Giấy phép Raj đang trong giai
đoạn cao trào, nó đã làm què quặt khả năng ứng dụng công nghệ quốc tế mới
nhất của Kohli. Việc nhập khẩu bất kỳ một thứ gì vào Ấn Độ cũng là một cơn ác
mộng của tệ quan liêu, đặc biệt là những chiếc máy vi tính đắt tiền tiêu tốn
những khoản ngoại tệ mạnh hiếm hoi ít ỏi. Chính phủ lo sợ máy vi tính sẽ thay
thế công nhân và làm gia tăng tỉ lệ thất nghiệp cho nên không mặn mà tiếp thu
công nghệ mới nhất. Kohli thường phải chờ đợi mất hai năm mới xin được giấy
phép nhập khẩu một cái máy mới.
Bất chấp những rào cản khó khăn này, Kohli vẫn tin rằng Ấn Độ có thể trở
thành một cường quốc công nghệ thông tin toàn cầu. Tầm nhìn cấp tiến ngay từ
lúc đó của ông đã chứng tỏ là có tính tiên đoán vì ông đã dự báo được cách thức
Ấn Độ một ngày nào đó sẽ thành công như thế nào. Kohli cho rằng, khác với
ngành công nghiệp vốn đòi hỏi phải có những khoản đầu tư lớn và sẽ buộc Ấn
Độ phải chơi trò đuổi bắt với phương Tây, Ấn Độ có thể cạnh tranh trong lĩnh
vực công nghệ thông tin ở một sân chơi ngang sức ngang tài với các nước công
nghiệp. Kohli phát biểu trong một hội nghị về vi tính tại Ấn Độ vào năm 1975:
“Nhiều năm trước đã có một cuộc Cách mạng công nghiệp. Chúng ta đã để lỡ
nó vì những lý do mà chúng ta không thể kiểm soát được. Ngày nay, có một
cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin
đòi hỏi phải có một khả năng tư duy rõ ràng. Điều này thì chúng ta có thừa.”
Tuy nhiên, giấc mơ của Kohli đã bị Giấy phép Raj trói lại và bóp nghẹt. Ông
nói: “Chúng ta cần phải ra bên ngoài làm việc, học hỏi công nghệ và đem công
nghệ” về Ấn Độ. Ông đi xuyên khắp nước Mỹ để tìm kiếm những công nghệ
mới và khách hàng tiềm năng cho các dịch vụ của TCS. Thành công đầu tiên