thuộc vào thương mại. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, nông dân của một vùng
nội địa rộng lớn, những người đã khởi đầu tiến trình cải cách của Trung Quốc
tại các thôn xã ở tỉnh An Huy, nói chung đã bị lờ đi trong những năm trở lại đây
khi đất nước đổ xô vào công cuộc công nghiệp hóa. Chỉ đến lúc này, khi cỗ máy
sản xuất của Trung Quốc đã chạy khục khặc thì Bắc Kinh mới tập trung chú ý
trở lại đến việc phát triển nông nghiệp. Không những Trung Quốc mà nhiều
quốc gia đã trải nghiệm Phép màu khác cũng không quan tâm đến việc kích cầu
nội địa, yếu tố có thể đóng vai trò như là một trụ cột khác của tăng trưởng kinh
tế. Họ đã lơ là không triển khai các chương trình phúc lợi, chẳng hạn như hệ
thống chăm sóc y tế và bảo hiểm thất nghiệp thích hợp, những chương trình
thuyết phục người dân vốn mang đặc tính tiết kiệm cố hữu chi tiêu nhiều hơn
nữa tiền bạc, của cải mới kiếm được của mình. Các nhà lãnh đạo của châu Á đã
tự mãn với việc sử dụng khối của cải to lớn do toàn cầu hóa tạo ra để tìm ra
nhiều cách mới duy trì mãi mãi Phép màu. Hi vọng rằng cuộc suy thoái kinh tế
2008-2009 sẽ đánh thức họ khỏi cơn ngủ mê của mình và buộc họ phải có
những thay đổi hết sức cần thiết, cho phép Sự thần kỳ tiến tới một tầm mức khác
mạnh mẽ hơn giống như sau cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á năm 1997.
Không thể phủ nhận sức mạnh của toàn cầu hóa trong việc tạo ra những Phép
màu ở châu Á, bất chấp những khó khăn to lớn mà châu Á đang phải đối mặt.
Câu chuyện đã kể trong các trang trên đây đã cung cấp một bằng chứng không
thể chối cãi được rằng thương mại tự do, đầu tư nước ngoài và hoạt động kinh
doanh tự do đã tạo ra sự giàu có và giảm bớt đói nghèo tới một mức độ mà
không có bất kỳ một sự kết hợp chính sách nào có thể sánh kịp. Những công cụ
này đã giúp một vài nước trong số các quốc gia nghèo nhất trên thế giới tiến lên
trở thành những cường quốc hùng mạnh. Một khi cuộc suy thoái 2008-2009 kết
thúc, thì các lực lượng của toàn cầu hóa lại trở thành chất xúc tác cải thiện sự
thịnh vượng của nhân loại. Các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị của thế giới
không nên hi sinh những triển vọng dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách
áp đặt những chính sách bảo hộ mậu dịch, lợi mình hại người trong lúc phản
ứng lại với một cuộc suy thoái kinh tế ngày nay. Những hậu quả của việc vứt bỏ
các bài học của Phép màu sẽ rất thảm khốc. Ngân hàng Thế giới năm 2005 ước
tính rằng có 1,4 tỉ người vẫn còn sống ở mức cực nghèo. Có đủ mọi lý do để tin
rằng các chính sách khuyến khích thương mại, khuyến khích đầu tư mà châu Á