không bán chiếc máy photocopy và như vậy là Morita đã phá hỏng tài sản của
Xerox. Morita đáp: “Tôi hiểu lo lắng của anh. Chiếc máy sẽ được trả lại nguyên
vẹn như cũ và vẫn hoạt động bình thường.”
Đóng góp lớn nhất của Morita cho Phép màu có lẽ là thành công của ông
trong việc nâng cao sự hiểu biết của thế giới về năng lực của các công ty châu
Á. Trước khi tên tuổi Sony nổi lên như cồn, Nhật Bản chỉ được biết đến là nước
cung cấp những loại hàng hóa vặt vãnh nhái theo thiết kế của phương Tây hay
những vật dụng rẻ tiền như cái dù giấy dùng để trang trí ly kem mà Morita đã
từng thấy ở nhà hàng Đức. Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, Sony đã
cho ra đời những sản phẩm đầy tính sáng tạo về công nghệ, làm thay đổi cả lối
sống. Nổi tiếng nhất là chiếc máy cát-xét di động Walkman – sản phẩm đã len
lỏi vào đời sống hằng ngày của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyên gia
quản lý Kenichi Ohmae ca ngợi: “Những thành tựu công nghệ của Sony trong
thiết kế mẫu mã sản phẩm, sản xuất và marketing đã làm thay đổi cách nhìn
nhận về khái niệm “SẢN XUẤT TẠI NHẬT BẢN” từng gắn với những sản
phẩm bắt chước rẻ tiền sang hình ảnh những loại hàng hóa có chất lượng tiên
tiến vượt trội.”
Morita định hướng cho Sony phát triển theo con đường này vào năm 1953 khi
ông tiếp cận công nghệ bán dẫn. Ông nhận định bóng bán dẫn sẽ trở thành một
công nghệ “đột phá” thay thế cho đèn chân không cồng kềnh nhưng hoạt động
không ổn định, không đáng tin cậy đang được ứng dụng trong ngành điện tử
thời đó. Nhờ bóng bán dẫn, các công ty có thể phát triển những chiếc đài thu
thanh hay nhiều loại sản phẩm điện tử khác có kích thước nhỏ hơn nhưng chất
lượng cao hơn. Ý tưởng của Morita lúc đó tưởng chừng như hão huyền. Cộng
đồng công nghệ toàn cầu vẫn còn bán tin bán nghi về tiềm năng ứng dụng của
bóng bán dẫn. Công nghệ do Bell Labs phát minh không đủ mạnh để hoạt động
ngay cả trong một chiếc đài thu thanh nhỏ. Tuy nhiên, các nhà điều hành công ty
Western Electric, hãng giữ bản quyền công nghệ bán dẫn, khẳng định phát minh
mới có thể ứng dụng không chỉ dừng ở máy trợ thính.
Chính Ibuka là người đầu tiên trở nên say mê bóng bán dẫn trong một lần đến
Mỹ vào năm 1952. Ông không sắp xếp được một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo