nhiên họ sống chết phân bua khi ấy vũ công nhảy ở manyatta của Kathegu,
cách đó cả bốn, năm dặm. Tôi phải ra tận Nairobi nói chuyện phải trái cùng
ngài Hạt Trưởng, và ông này đã cho thả cả băng vũ công về đồn điền để hái
cà phê.
Quang cảnh Ngoma ban đêm tuyệt đẹp. Ở đây bạn không còn phải băn
khoăn gì về sân khấu đêm diễn, nó được những đống lửa vạch nên và kéo
dài đến nơi có ánh lửa rọi tới, quả thực lửa là thành tố cốt lõi của Ngoma.
Ánh lửa không thật sự cần thiết cho nhảy múa, bởi ánh trăng cao nguyên
châu Phi sáng vằng vặc, nhưng lại được sử dụng nhằm tạo hiệu ứng biến
địa điểm nhảy múa thành một sàn diễn thượng hạng, hòa trộn hết thảy màu
sắc và chuyển động bên trong đó thành một thể thống nhất.
Dân bản xứ hiếm khi lạm dụng một hiệu ứng. Họ chẳng đốt những đống
lửa thật lớn. Củi được các phụ nữ lưu dân trong đồn điền, những người vốn
tự coi mình là các bà chủ lễ hội, mang tới chất thành đống tại tâm điểm
vòng người nhảy múa từ hôm trước. Những bà cụ già mang tới vinh dự cho
cuộc nhảy múa, bằng sự có mặt của họ, sẽ ngồi trên ghế đặt quanh đống củi
trung tâm ấy, và từ đó một chuỗi các ngọn lửa nhỏ, giống như một vòng
tinh tú, sẽ được chụm suốt đêm. Về phần mình các vũ công sẽ nhảy và chạy
bên ngoài vành lửa, lấy rừng đêm làm nền. Địa điểm phải tương đối rộng,
nếu không hơi nóng và khói sẽ luồn vào mắt công chúng lớn tuổi, song nó
vẫn giống hệt một không gian khép kín giữa chốn trần gian, như một ngôi
nhà lớn được dựng lên để mọi cư dân đều sống được trong đó.
Người bản xứ không có mắt thẩm mĩ hay óc thưởng thức sự tương phản,
dây cuống rốn kết nối họ với thiên nhiên chưa thực sự đứt lìa. Họ chỉ tổ
chức Ngoma vào mỗi thời điểm trăng tròn. Đúng kì mặt trăng đang độ sáng
nhất thì họ cũng thắp lên những ngọn lửa. Giữa khung cảnh vạn vật đang
hít thở và ngụp lặn trong ánh sáng dịu êm, đầy quyền lực từ bầu trời, họ
góp thêm đốm lửa hồng cỏn con của mình vào không gian vằng vặc soi rọi
khắp Phi châu.