Lũ bò
Chiều thứ Bảy là khoảng thời gian được ban phúc ở đồn điền. Một là sẽ
không có thư từ gì đến tận chiều thứ Hai, vì vậy tới đó sẽ chẳng có những
lá thư bàn chuyện làm ăn gây phiền não tìm đến chỗ chúng tôi, và sự tình
như thể đồn điền được một bức chiến lũy vây chắn xung quanh. Hai là ai ai
cũng đều mong chờ Chủ nhật, ngày được nghỉ ngơi hay chơi đùa, lưu dân
cũng có thể quay về mảnh đất của mình mà canh tác. Thứ Bảy suy nghĩ về
lũ bò lại khiến tôi thấy dễ chịu hơn mọi điều khác. Tôi thường đi xuống khu
chuồng lúc sáu giờ, thời điểm bò trở về sau nguyên một ngày làm việc để
có vài tiếng đồng hồ gặm cỏ. Ngày mai, tôi nhủ thầm, bọn mày sẽ không
phải làm gì ngoài việc nhai cỏ.
Đồn điền chúng tôi có một trăm ba mươi hai con bò, nghĩa là tám nhóm
làm việc cùng vài con dự phòng. Giờ đây, trong đám bụi vàng của buổi
chiều tà, khi đã xong xuôi mọi việc, đàn bò cắt qua bình nguyên trở về nhà
theo một hàng dài đủng đỉnh, còn tôi tĩnh tọa trên bờ rào khu chuồng ngắm
chúng và hút một điếu thuốc với cõi lòng nhẹ nhõm. Kìa Nyose, Ngufu và
Faru cùng Msungu - nghĩa là một người da trắng. Những tay dong bò
thường lấy tên người da trắng đặt cho nhóm của mình, và Delamere là cái
tên phổ biến của bò. Malinda già về đây rồi, nó là con bò vàng to lớn mà tôi
thích nhất; da nó thật lạ lốm đốm nhiều mảng màu sẫm giống hình sao biển,
còn cái tên Malinda nghĩa là cái váy, có lẽ cũng nảy sinh từ đặc điểm này.
Như tại những nước văn minh, lương tâm mọi người đều dằn vặt trước các
khu ổ chuột và thấy áy náy mỗi khi nghĩ đến chúng, ở châu Phi bạn cũng
day dứt, nhói lòng về lũ bò. Nhưng trước đàn bò trang trại, tôi còn có cảm
giác giống một vị quân vương lúc đứng trước các khu ổ chuột trong vương
quốc của mình: “Các ngươi là Trẫm, và Trẫm là các ngươi.”