Những ngày ấy quân Đức được cho là hiện diện khắp mọi nơi, và chúng tôi
đã bố trí trạm gác ở cây cầu lớn của tuyến đường sắt tại Kijabe phòng họ
đặt mìn phá cầu.
Tôi đã tuyển mộ được một thanh niên Nam Phi tên Klapprott đi cùng đoàn
xe, nhưng lúc chất hàng hóa xong xuôi, vào đúng buổi tối trước ngày khởi
hành, cậu ta bị bắt giữ vì là người Đức. Klapprott chẳng phải dân Đức, và
có thể chứng minh hai năm rõ mười như vậy, nên chỉ ít lâu sau cậu chàng
được thả và đổi qua tên khác. Tuy nhiên ở thời khắc ấy, tôi coi việc
Klapprott bị bắt giống như một phán quyết của Chúa
, bởi ngoài tôi ra giờ
chẳng còn ai để đưa đoàn xe xuyên qua miền rừng rú xứ này. Và thế là vào
sớm tinh mơ, lúc các chòm sao cổ xưa vẫn sáng trên nền trời, chúng tôi
khởi hành xuôi triền Kijabe dài bất tận, với các bình nguyên mênh mông
của Khu bảo tồn Masai - nhuộm một màu xám thép dưới ánh sáng lờ mờ
buổi rạng đông - trải dài theo bước chân chúng tôi, với các ngọn đèn bão
lắc lư cột dưới gầm xe, và với nhiều giọng quát cùng tiếng roi vun vút. Tôi
có bốn cỗ xe hàng, mỗi cỗ thắng mười sáu bò, cùng năm con dự phòng;
đồng hành là hai mươi mốt thanh niên Kikuyu cộng thêm ba người Somali:
Farah, Ismail - phu vác súng, và đầu bếp cũng tên Ismail - một ông già cừ
khôi. Chú chó Dusk bước cạnh bên tôi.
Khốn thay khi bắt Klapprott cảnh sát cũng túm luôn con la của cậu. Ở
Kijabe chả thể lùng đâu ra con khác, nên vài ngày đầu tôi đành cuốc bộ
trong màn bụi sau đoàn xe. Nhưng rồi tôi mua được một con la cùng bộ yên
cương từ một cư dân tình cờ gặp trong Khu bảo tồn, và sau đó lại mua thêm
được con nữa cho cả Farah.
Tôi rong ruổi xa nhà ba tháng cả thảy. Tới đích đến đầu tiên, chúng tôi lại
được ủy thác đi tiếp nhận kho hàng do một toán săn bắn lớn người Mĩ đóng
sát vùng biên bỏ lại lúc nháo nhào tháo chạy vì tin chiến sự. Tới đây đoàn
xe còn phải di chuyển qua nhiều địa điểm khác nữa. Tôi đã học được cách
nhận biết những khúc sông cạn và các điểm có nước uống trong Khu bảo
tồn Masai, đồng thời trau dồi chút tiếng Masai. Đường đất đâu đâu cũng tệ