thái hài hòa. Nói cách khác, vì tất thảy chúng ta đều là tù nhân trong đời,
nếu có thêm năng lực thiên phú, liệu ta hạnh phúc hơn hay khổ sở hơn?”
Đang bận theo đuổi suy nghĩ riêng mà chẳng để tâm tới ông bầu gánh xiếc,
bá tước Schimmelmann nói: “Thật lạ thường khi phải có hàng trăm, thậm
chí hàng nghìn con linh cẩu sống rồi chết đi cho chúng ta, sau cùng, có
được mẫu vật này tại đây, để người dân Hamburg được biết linh cẩu là thế
nào, và để các nhà tự nhiên học nghiên cứu chúng.”
Họ chuyển qua rồi nhìn vào chuồng hươu cao cổ kế bên.
“Các loài hoang thú sống ngoài hoang dã,” bá tước tiếp tục, “không thật sự
tồn tại. Con này giờ tồn tại bởi ta đã được nhìn và biết nó ra sao, đã đặt cho
nó một cái tên. Còn những con khác vẫn chưa, mà chúng lại chiếm đa số.
Thiên nhiên thật hoang phí.”
Đẩy thêm chiếc mũ lông cũ mòn ra sau gáy, bên dưới mũ giờ lộ ra đầu ông
bầu gánh xiếc chẳng có lấy một cọng tóc. “Chúng vẫn nhìn thấy nhau,” ông
bảo.
“Ngay cả điều ấy cũng còn phải bàn,” bá tước Schimmelmann nói sau một
thoáng im lặng. “Chẳng hạn mấy con hươu cao cổ có các đốm vuông trên
da kia. Chúng không biết đến hình vuông, do đó khi nhìn nhau sẽ không
thấy hình vuông nào cả. Liệu có thể bảo chúng thấy nhau chăng?”
Ông bầu gánh nhìn mấy con hươu một chặp đoạn nói: “Chúa nhìn thấy
chúng.”
Bá tước Schimmelmann mỉm cười. “Ba cái con hươu cao cổ này sao?”
“Đúng vậy thưa quý ngài,” ông bầu gánh xiếc đáp, “Chúa nhìn thấy hươu
cao cổ. Lúc chúng đang chạy nhảy, nô giỡn ở Phi châu, Đức Chúa đã dõi
xem và thích thú cung cách chúng. Người đã tạo nên chúng và chúng góp
vui cho Người. Điều ấy có trong Kinh Thánh, thưa quý ngài,” ông bầu gánh
nói tiếp. “Chúa trời quá yêu hươu cao cổ thành thử Người tạo ra chúng.
Chính Chúa tạo ra hình vuông và cả hình tròn, quý ngài hẳn không thể chối