Chúng tôi cùng leo về phía Bắc, đoạn nào quá dốc còn có lan can sắt để
mọi người vịn vào mà lên xuống.
Nhìn qua các lỗ hổng trên thành, toàn là núi non trùng điệp, cây khô, cỏ
dại, làm thành một dải hoang vu.
Cứ cách trăm mét lại có một cái lầu thành hình vuông, loại hai tầng gọi
là địch lầu, tầng trên cùng dùng để quan sát hoặc tấn công, tầng dưới để
binh sĩ nghỉ ngơi hoặc trữ vũ khí; loại một tầng gọi là thành đài, bốn phía
đều có lỗ hổng để tuần tra và tấn công.
Cao Lượng nói lầu Nam Tư, Nam Tam, Bắc Tam, Bắc Tư giờ vẫn hay
gọi đều là các địch lầu.
“Chúng ta sẽ trèo lên Bắc Bát Lầu cao nhất so với mực nước biển trên
đoạn Trường Thành Bát Đạt Lĩnh,” cậu ta nói.
Noãn Noãn dù gì cũng là con gái, thể lực yếu, thỉnh thoảng lại phải dừng
lại dựa vào lan can thở lấy hơi.
Có lúc gió thổi khiến em nghiêng ngả, Cao Lượng nói đây là chỗ hút
gió, nên gió rất lớn.
“Nếu là vào giữa mùa Thu Đông, gió còn mạnh hơn, trời còn lạnh hơn.
Đến lúc đó leo Trường Thành mới càng có cảm nhận sâu sắc,” cậu ta nói.
Lúc này chúng tôi ai nấy đều mặc quần áo mỏng, chỉ mang thêm bình
nước mà vẫn phải bám vào lan can lên xuống; vậy mà tướng sĩ giữ thành
thời cổ cả người giáp sắt, tay mang binh khí, đầu đội cuồng phong chạy lên
chạy xuống nơi này. Ngày ngày nhìn ra cảnh hoang vu bên ngoài, ngoài tấm
áo bào của mình chẳng thấy nổi một bóng ai khác, hẳn phải đơn độc, cô
quạnh đến nhường nào.