---o0o---
75. Gà Rừng
Bao lâu chân trí tuệ chưa hiện khởi thì chúng ta thấy các căn và các trần
là những kẻ thù. Nhưng khi trí tuệ khởi sinh thì chúng ta không còn xem
chúng là những kẻ thù nữa. Bấy giờ chúng là cửa ngỏ để chúng ta có được
sự hiểu biết đúng đắn và sáng suốt.
Một ví dụ dễ hiểu là thái độ của đám gà rừng. Ta đều biết rằng chúng
rất sợ loài người. Bởi sống trong rừng nên tôi biết cách dạy chúng và học hỏi
từ chúng. Tôi bắt đầu rải lúa cho chúng ăn. Thoạt đầu vì sợ sệt nên chúng
không dám đến gần. Dần dần chúng quen đi, và bắt đầu mong đợi được cho
lúa ăn. Đầu tiên chúng tưởng rằng hạt lúa là kẻ thù nguy hiểm. Nhưng trong
hạt lúa thì không có gì nguy hiểm. Chúng không biết lúa là thức ăn nên
chúng sợ. Về sau, khi chúng thấy rằng không có gì phải sợ, chúng đến và ăn
lúa một cách an lành. Đám gà rừng là thế đó.
Sống trong rừng ở đây thì chúng ta học một cách tương tự. Khi trước, ta
tưởng rằng các căn là trở ngại, và bởi vì ta không biết sử dụng chúng đúng
cách nên chúng tạo nhiều vấn đề cho ta. Qua các kinh nghiệm tu tập, ta biết
nhận diện chúng theo Chánh pháp. Ta học cách sử dụng chúng, như là đám
gà rừng học cách ăn lúa. Từ đó, chúng không còn chống đối ta, và các vấn
đề sẽ biến mất.
---o0o---
76. Sân Đầy Các Loại Thú
Nhiều người nghĩ rằng, những người Tây phương đến học với Ngài
Ajahn Chah sẽ gặp trở ngại về vấn đề ngôn ngữ, nhưng thực ra không phải
vậy. Có người hỏi Ngài Ajahn Chah làm sao Ngài có thể dạy được những
người học trò Tây phương? Ngài có nói được tiếng Anh hay tiếng Pháp
không? Ngài có nói được tiếng tiếng Đức không? Ngài Ajahn Chah trả lời:
Không. Vậy làm thế nào ngài dạy cho họ? Ngài Ajahn Chah hỏi lại:
- Nhà anh có nuôi trâu không?
- Dạ có
- Nhà anh có nuôi bò, chó hay gà không?