Bầu trời Paris xám, tiếp tục nôn thốc những trận mưa nặng hạt hơn và, gió
cũng giận dữ, ghim trong lòng nó nhiều hơn những mũi kim rét, buốt, khi
chúng tôi trở lại trạm xe buýt ở quảng trường Bonneuil Sur-Marne. Chuyến
xe buýt đến chậm hơn giờ ghi nơi bảng chỉ dẫn. Một hành khách chờ xe
buýt trước chúng tôi, chán nản bước vào mưa, sau khi cầu nhầu, nói gì đó.
Tôi không biết những người bạn tôi nghĩ gì, sau khi ông trở lại căn hộ quen
thuộc của họ Phạm! Tôi cũng không biết họ đã nghe được những gì. Nhưng
tôi biết T. bị ám ảnh bởi chuyện kể những ngày Việt Nam và, nhất là những
năm tháng lạc lõng của họ Phạm - - Người họa sĩ Việt Nam mang trong tâm
khảm hai ngọn lửa đối nghịch: Mặc cảm nghèo khó, bị khinh rẻ của một
con dân thuộc một đất nước bị người Pháp đô hộ dài lâu và, khát vọng cháy
bỏng thể hiện tài năng của một nghệ sĩ Việt Nam đơn độc giữa Roma, thánh
địa của nghệ thuật tạo hình thế giới.
Tôi biết T. bị ám ảnh về hai cụm từ “nhà nghèo” và “nỗi nhục” bị ngoại
bang đô hộ mà họ Phạm lập lại nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện...
Trở lại California, nhờ mượn được bộ sưu tập tranh cũng như những bài báo
viết về vũ trụ tranh Phạm Tăng, của nhiếp ảnh gia Phạm Hải Nam
, tôi
mới biết thế giới ca ngợi tài năng Phạm Tăng thế nào, ra sao. Đó là phần họ
Phạm cố tình... “bỏ quên”, không nói tới, dù chỉ ít lời!
Theo cảm nhận của T. thì đấy chính là đức khiêm cung của một tài năng
thực sự, lớn. Sau này, thảng hoặc, T. còn nhắc tôi rằng, đừng quên, người
họa sĩ Việt Nam ngoại khổ kia, trước sau chỉ nhận mình là “một thằng thợ
vẽ”!?!
Trong bộ sưu tập tranh và, các bài viết về họa sĩ Phạm Tăng, của Phạm Hải
Nam, ngoài những bài phê bình của các nhà phê bình hội họa quốc tế, tôi
chú ý tới bài viết của một nhà phê bình hội họa Hoa Kỳ. Bài viết này được
học giả Hữu Ngọc, một bạn thân của họa sĩ Phạm Tăng, thời đầu cuộc
kháng chiến chống Pháp (1945), chuyển ngữ.