“Tranh của Kirkland gồm các chấm nhỏ, còn tranh của Phạm Tăng thì gồm
những mảnh vỏ trứng vỡ. Các bức tranh chấm khổ nhỏ của Kirkland vào
những năm 1966 và 1967 được treo cạnh bức tranh năm 1968 của Phạm
Tăng để thể hiện rõ mối liên hệ hấp dẫn này – mặc dù chất liệu tranh
Kirkland dùng sơn dầu và màu nước, Phạm Tăng dùng sơn mài và vỏ
trứng, nền tranh Kirkland dùng vải, Phạm Tăng dùng bảng gỗ; quá trình
sáng tạo nghệ thuật và tiểu sử của hai họa sĩ rất khác nhau.
“Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Kirkland thể hiện rõ sự quan tâm
thích thú đến hiệu quả thị giác (optical effects) của màu sắc sống động và
những gì ẩn đằng sau các hình ảnh (đóng góp độc đáo vào khuynh hướng
Op Art tức là Nghệ thuật hiệu quả thị giác). Phạm Tăng lại dùng các chất
liệu độc đáo để thể hiện những hình ảnh và sự sắp đặt các hạt màu hết sức
trừu tượng, tạo nên sự hấp dẫn cho con mắt người xem. Có lẽ đây là lần
đầu tiên trưng bày tác phẩm của hai họa sĩ – khác nhau về nhiều mặt và
ngưỡng mộ nhau...”
Không biết có phải để bổ túc bài nhận định của một nhà phê bình Mỹ về
tranh của mình và Kirkland hay không (?) mà, sau đó, họa sĩ Phạm Tăng đã
có một thư riêng cho dịch giả Hữu Ngọc. Và vị học giả tên tuổi của Việt
Nam này, đã ghi lại một đoạn thư riêng của họ Phạm, nơi phần cuối bản
dịch của mình:
“... Sự móc nối giữa tôi và Kirkland là do những chấm nhỏ li ti, các cellule
(tế bào) màu khởi đầu cái thời kỳ nghệ thuật dots (dấu chấm) của Kirkland
– giống như những tế bào trong tranh của tôi. Có điều khác là những dots
trong tranh Kirkland là nguyên sắc (một màu), còn ở tranh của tôi thì trong
mỗi tế bào là một tổ hợp gồm 2 – 3 khoanh tròn cùng một tâm
(concentrique) màu đối nhau (contraste) tạo nên những màu sắc linh động
hơn...” (Nđd.)
Sau khi được đọc bài viết của một nhà phê bình hội họa Mỹ, ở Denver,
Colorado, và nhất là phần thư riêng, của họa sĩ Phạm Tăng, gửi cho học giả