“Có phải anh muốn cho người xem tranh của anh, trở thành tác giả thứ hai,
hay là người cùng vẽ với anh bức tranh ấy?”
“Đúng thế! Nhưng tôi sẽ không bao giờ nói về kỹ thuật ấy.” Họ Phạm trả
lời. Dứt khoát.
Cùng lắng nghe với chúng tôi về những giải thích ngắn, gọn của họa sĩ
Phạm Tăng là những người bạn tôi. Tôi nghĩ họ đã nhiều lần được nghe họ
Phạm nói về... nội hàm tranh của người họa sĩ Việt Nam, đứng ngang tầm
thế giới này. Nhưng không vì thế mà, họ suy giảm niềm hân hoan, rạng ngời
trên gương mặt.
Tôi hiểu họ thường xuyên viếng thăm họa sĩ Phạm Tăng để tác giả “Vũ trụ”
vốn ít giao tiếp, bớt cô đơn, chỉ sống với dăm ba bức tranh còn giữ được - -
Tựa đó là những người bạn thân thiết nhất, sẽ ở với ông đến phút lâm
chung; cùng người bạn đời thứ hai của ông (hiện trong tình trạng bấp bênh,
sức khỏe!)
Sau nhiều ngày trở lại đời thường, trong tôi hôm nay, vẫn còn vẳng tiếng
nói chậm rãi (không một chút... “ngoa ngôn” khi họ Phạm kể, ông đã từ
chối vinh dự được mời vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật Ý - - Vì tự thấy, ông
là một họa sĩ Việt Nam lẻ loi, cô độc giữa xứ người, nên không muốn các
bạn họa sĩ Ý của ông xì xầm, ganh tỵ. Nhưng ông lại không giấu một vinh
dự khác trong cái “nghiệp” của một “thằng thợ vẽ” (lập lại, chữ của chính
ông), khi ông được trao huy chương vàng cuộc triển lãm hội họa, do cơ
quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa UNESCO, thuộc Liên Hiệp Quốc tổ
chức tại Roma năm 1967.
Tôi hiểu, thành tích đạt được kể trên của họ Phạm, đã phần nào xoa dịu “vết
thương” quá sâu: Nỗi nhục của một nghệ sĩ sinh trưởng trong một đất nước
có một trăm năm bị thực dân Pháp đô hộ.