Hữu Ngọc, giải thích rõ hơn về những hạt tế bào (cellule) nguyên sắc (một
mầu) của Vance Kirkland và mỗi tế bào trong tranh họ Phạm là “... một tổ
hợp, có từ 2 tới 3 khoanh tròn cùng tâm (concentrique) màu đối nhau
(contraste) nên bức tranh linh động hơn...” - - khiến tôi chợt nhớ một trong
những biểu lộ tình thân đầu tiên của họa sĩ Phạm Tăng dành cho chúng tôi
là, ông đã đưa cho T. và, tôi, mỗi người một kính lúp khá to - - Lúc ông
thấy chúng tôi, ngẩn ngơ trước bức tranh “Vũ trụ” rất lớn, màu sắc bao la,
bát ngát như một dải ngân hà lấp lánh những vì sao, muốn tràn khỏi
canvas...
Tôi thấy mình như bị hút vào hố đen do Big Bang để lại, cách đây nhiều
triệu năm, theo thuyết tương-đối-rộng của Albert Einstein.
Tôi không hỏi cảm nhận của T. sau nhiều phút ngẩn ngơ trước từng mảng
tranh nhỏ, được soi rọi bởi kính lúp. Phần tôi, khi đưa kính lúp sát vào bất
cứ một phân tranh nào của bức “Vũ trụ”, lập tức nó cho tôi thấy, đó là
những... “hố đen” lấp lánh nhiều mầu sắc. Mà, khi rời kính lúp khỏi mảng
tranh, nhìn lại, tôi lại chỉ thấy đó là những chấm mầu đen, nhỏ như những
hạt đậu, được bao quanh bởi những họa tiết (tinh vân?) mầu xanh nhung,
vàng ươm, đen và đỏ thắm... Những gì thị giác tôi nhận bắt được trước đấy,
đã tức thì, biến mất! Tựa như tôi bị ném khỏi cái vũ trụ lóng lánh ánh sáng
của những vì sao, để trở lại thực tại đời thường!?!
Trước kinh ngạc tới bàng hoàng, tôi chưa kịp định thần để có câu hỏi thì,
dường như thấu hiểu, tâm trạng của chúng tôi, họ Phạm đã từng tiếng, chậm
rãi:
“Tôi không ngoa ngôn đâu, tôi tự hào là người đầu tiên mở được con đường
để người xem tranh có thể tham dự vào bức tranh của tôi... Tùy theo trình
độ, cảm nhận của mỗi người...”
Tôi buột miệng: