Tín ngưỡng: Đúng và sai I
187
đạo đức cho bản thân, hiện tại và về sau. Khi đã xây dựng gia
thất riêng, việc làm tròn bổn phận của người con là sống đúng,
sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức của đạo Phật,
không làm các điều ác, phát huy các điều thiện, chăm lo cho
vợ/chồng, con cái chu đáo, thăm viếng cha mẹ khi có thời gian,
phụng dưỡng đời sống vật chất cho cha mẹ,…
(3) Giữ gìn truyền thống gia đình
Lời dạy trên không chỉ kêu gọi ý thức trách nhiệm bảo
vệ và phát huy các truyền thống tốt đẹp của một gia phả,
một làng xóm, một cộng đồng, một sắc tộc, một quốc gia
mà thôi. Điều này có ý nghĩa to lớn hơn nếu ta đặt nó trong
sự vận động bảo tồn và duy trì các sắc thái văn hóa của tổ
chức UNESCO. Nói dễ hiểu hơn, đây có thể là phương châm
cho một khuynh hướng giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa tích
cực của các sắc dân, của các dân tộc trên thế giới theo chiều
hướng có chọn lọc và đặt chúng trong tiêu chí của các giá trị
phát triển đạo đức và đạo lý con người hơn là chỉ đơn thuần
về phương diện vật chất.
(4) Bảo vệ tài sản thừa tự
Nếu “duy trì các truyền thống tốt đẹp của gia đình, quốc
gia” là một nguyên tắc chung và bao quát đối với những
người con có hiếu. Theo tinh thần Phật dạy thì “bảo vệ tài sản
thừa tự” là một nguyên tắc cụ thể ứng dụng trong phạm vi
của truyền thống gia tộc. Điều này có ý nghĩa giáo dục rằng
một mặt con cái phải biết sử dụng gia tài và di sản của cha mẹ
để lại đúng pháp và mặt khác phải là người kế thừa có đạo lý.
Nghĩa là cha làm thầy thì con cái không được đốt sách. Cha
mẹ làm việc thiện, tôn kính Tam bảo thì con cái không nên
làm việc ác, phỉ báng Phật, Pháp, Tăng, trái lại còn phát huy
một cách tốt hơn và có chiều kích hơn.