Cuộc sống của Đâydi vốn đã trôi đi trong những ranh giới chật hẹp. Đi làm, phải xoay như
chong chóng, len lách giữa các giá đựng hàng và cái quầy. Ở nhà thì nhiều sự ấm cúng hơn là sự
rộng rãi. Mấy bức tường sát vào nhau, cựa mình một tí là những tờ giấy bồi tường còn sót lại
kêu sột soạt. Vừa soi mái tóc màu hạt dẻ bóng bẩy của mình trong gương, Đâydi vừa có thể
một tay châm bếp hơi, tay kia đóng cửa. Trên tủ commốt là tấm hình Giô trong khung mạ vàng,
và đôi lúc ánh mắt Đâydi đưa vào đấy… thì ngay lập tức trong trí óc cô lại hiện ra cái quán bán
hàng bé tí và buồn cười như hòm đựng xà phòng, nép vào góc một toà nhà lớn, và đáng lẽ là
tiếng thở dài êm ái thì ta lại nghe thấy tiếng cười vô tư lự.
Người ái mộ thứ hai đến với Đâydi chậm hơn Giô vài tháng. Anh ta thuê một phòng kèm cả tiền
chăm nom phục vụ ở ngay trong ngôi nhà cô đang ở. Tên anh là Đepxtơ và anh là một triết gia.
Ưu điểm của con người còn trẻ tuổi đời này đập ngay vào ắt như những mác những nhãn châu
Âu trên chiếc vali của người dân Paxâycơ bang Niu Giơxi. Anh thâu lượm những kiến thức cho
mình từ những cuốn bách khoa toàn thư và sách tra cứu, còn nếu nói về sự khôn ngoan, thì nó
phóng lướt qua, trong khi anh ta đứng bên hè đường, mũi khụt khịt mà không kịp nhìn rõ số xe
ô tô của nó. Hễ có dịp là anh ta có thể giảng cho bạn rõ, nước tạo thành từ cái gì và tại sao con
người ăn đậu và thịt bê lại bổ, bài thơ nào ngắn nhất trong Kinh thánh và cần bao nhiêu pao
đinh để đóng hai trăm năm mươi sáu tấm ván lót nhà có khe rộng bốn insơ, dân số thành phố
Kankaki, bang Ilinoi là bao nhiêu, cốt lõi của lí thuyết Xpinôda là gì, tên thằng hầu hạng bét
trong nhà ông G. Maccây Tumli là gì, chiều dài đường hầm xuyên qua ngọn núi Huxăc là bao
nhiêu, khi nào cho gà ấp là tốt nhất, lương tháng của một bưu tá đường sắt đoạn Đriptơrit –
Ret Bank Fecnex, bang Penxinvania là bao nhiêu và chân con mèo có bao nhiêu móng.
Gánh nặng kiến thức không phải đùa ấy không hề đè trĩu lên Đepxtơ. Những con số và dữ kiện
đối với anh cũng tựa như món rau mùi làm gia vị cho bữa chuyện phiếm nhẹ nhàng mà anh
dùng để thết bạn, nếu nhắm thấy hợp gu bạn. Ngoài ra, anh còn dùng chúng làm lá chắn khi
đánh chén. Nổ một tràng đạn nhằm vào bạn bằng những con số liên quan đến trọng lượng
thanh sắt tiết diện năm nhân với hai phẩy bảy lăm insơ và lượng mưa trung bình hàng năm ở
Photơ Xnelinh, bang Minnêxôta, anh cầm dĩa chọc thẳng vào miếng thịt gà ngon mắt nhất trên
đĩa, trong khi tâm trí bạn còn đang tiêu hoá những điều anh vừa nói.
Được trang bị bằng những thứ khí giới sáng choang như vậy, vả lại diện mạo cũng không phải
là khó coi, Đepxtơ là kẻ tình địch mà Giô, chủ hiệu tạp hoá bé tí ti, đáng đọ kiếm. Tuy nhiên
trên mình Giô chẳng có khí giới nào cả. Vả chăng nếu có thì cũng chẳng tìm đâu ra chỗ đấu.
Một hôm thứ bảy, quãng bốn giờ chiều, Đâydi cùng ông Đepxtơ dừng lại bên quán của Giô.
Trên mình Đepxtơ có cái ống hình trụ và bởi vì… tóm lại, vì Đâydi là đàn bà và không thể để cái
ống ấy chui vào hộp các-tông, chừng nào Giô còn chưa ngó thấy. Cái cớ bề ngoài để họ rẽ vào