“macintoshes”, và ngày nay những chiếc áo mưa vẫn hay được gọi như vậy
(hoặc “macs”) ở Anh quốc. Phát minh của Macintosh đã khởi đầu cho việc
sử dụng rộng rãi cao su trong các thành phần của động cơ, vòi phun, giày,
ủng cũng như mũ và áo khoác.
Cơn sốt cao su đã tràn vào nước Mỹ trong những năm đầu thập kỷ 1830.
Tuy nhiên, dù có tính chống thấm nước, sự phổ biến của các sản phẩm quần
áo từ cao su ban đầu này đã giảm dần khi mọi người nhận thấy các sản
phẩm trở nên cứng như đá và giòn vào mùa đông, đồng thời chảy ra thành
một đống keo nhớt bốc mùi vào mùa hè. Cơn sốt cao su gần như dừng ngay
lập tức khi nó vừa mới chỉ bắt đầu, và dường như cao su vẫn chỉ là một vật
liệu gợi sự tò mò, với ứng dụng thực tiễn duy nhất là làm các cục gôm tẩy
chì. Từ rubber
được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1770 bởi nhà hóa học
người Anh Joseph Priestley, ông đã phát hiện ra rằng một miếng cao su nhỏ
có thể xóa sạch các vết bút chì tốt hơn nhiều so với phương pháp phổ biến
thời đó là xóa bằng một miếng bánh mì ẩm. Các cục gôm được đưa vào thị
trường Anh với tên gọi cao su Ấn Độ (India Rubber), điều này càng tạo
thêm sự nhầm lẫn rằng cao su có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Ngay khi con sốt cao su lần thứ nhất tại Mỹ tan biến, vào khoảng năm
1934, nhà phát minh và cũng là một doanh nhân người Mỹ, Charles
Goodyear, đã bắt đầu loạt thí nghiệm của mình với cao su, để cuối cùng tạo
ra cơn sốt cao su toàn cầu trong một khoảng thời gian rất dài. Có thể nói,
Goodyear là một nhà phát minh xuất sắc nhưng là một doanh nhân thiếu
sáng suốt. Cả đòi ông gắn liền với những món nợ, phá sản vài lần, và người
ta nói một cách hài hước rằng những phòng giam dành cho các con nợ
chính là “khách sạn” của ông. Ý tưởng của ông là nếu trộn cao su với một
loại bột khô, thì bột khô có thể hấp thu hơi ẩm giúp cao su không trở nên
dính nhớt trong thời tiết nóng ẩm. Với lập luận này, Goodyear đã thử trộn
nhiều loại vật liệu khác nhau với cao su thiên nhiên. Không loại nào thành
công. Mỗi khi ông gần như có được công thức trộn phù hợp, thì thời tiết
mùa hè lại chứng minh rằng ông đã sai; các loại giày và quần áo phủ cao su
biến thành những đống hôi hám bất cứ khi nào nhiệt độ tăng lên. Hàng xóm