Thiên Chúa giáo cũng không phải là ngoại lệ với một thế giới đầy những
màu sắc dị đoan và huyền bí.
Khi đạo Cơ Đốc lan rộng khắp châu Âu, rất nhiều những biểu tượng
ngoại giáo và lễ hội đã được đưa vào những nghi lễ tôn thờ và ca tụng của
Giáo hội. Chúng ta vẫn đón chào ngày lễ Halloween, một lễ hội Celtic của
người chết, đánh dấu sự bắt đầu của mùa đông vào ngày 31 tháng 10, cho
dù Giáo hội đã nỗ lực hướng sự chú ý của người dân khỏi lễ hội dị giáo này
bằng cách đưa vào Ngày Các Thánh 1 tháng 11. Lễ Giáng Sinh bắt nguồn
từ ngày lễ tôn vinh thần Satuya của người La Mã cổ đại. Cây giáng sinh và
nhiều biểu tượng khác (nến, cây thường xuân, cây nhựa ruồi) mà chúng ta
vẫn thường dùng trong lễ Giáng Sinh thực chất đều có nguồn gốc dị giáo.
Công việc vất vả và nỗi phiền muộn
Trước những năm 1350, thuật phù thủy được xem là sự thực hành ma
thuật, một phương pháp trong quá trình nỗ lực kiểm soát thiên nhiên theo
mong muốn của con người. Sử dụng các loại bùa ngải, với niềm tin rằng
chúng có thể bảo vệ mùa màng hoặc con người, đọc thần chú để chi phối
hoặc kiểm soát, và cầu khẩn các linh hồn là những điều rất bình thường.
Trong hầu hết các vùng tại châu Âu, ma thuật là một phần được chấp nhận
trong cuộc sống, và thuật phù thủy chỉ bị coi là tội lỗi khi gây ra thiệt hại.
Nạn nhân của ma thuật hắc ám hoặc những điều xấu xa mang màu sắc
huyền bí có thể tìm kiếm sự hỗ trợ hợp pháp chống lại thầy phù thủy,
nhưng nếu nạn nhân không thể chứng minh trường hợp của họ, chính họ sẽ
là người chịu phạt và chi trả mọi khoản phí của tòa án. Bằng cách này,
những lời buộc tội vô căn cứ hiếm khi xảy ra. Các phù thủy cũng hiếm khi
bị buộc tội chết. Thuật phù thủy không bao giờ là một tôn giáo có tổ chức,
cũng không phải là một tổ chức chống tôn giáo. Thậm chí nó không hề có
tổ chức hay sự sắp xếp nào. Nó đơn giản chỉ là một phần của văn hóa dân
gian.