May thay, lệnh bãi bỏ đã kết thúc năm 2005 khi thủ tướng mới lại cấm muối
không chứa iốt. Nhưng điều này hầu như không giải quyết được vấn đề
muối iốt của Ấn Độ. Sự bất mãn với muối iốt nhân danh Gandhi vẫn khiến
người ta sôi sục. Liên Hợp Quốc – với hy vọng mang lại tình yêu iốt cho
một thế hệ xa rời Gandhi – đã khuyến khích trẻ em lén mang muối từ nhà
đến trường. Khi đến lớp, học sinh và giáo viên sẽ chơi trò chơi hóa học:
kiểm tra lượng iốt trong muối. Nhưng điều này không hiệu quả. Tuy Ấn Độ
chỉ tốn một cent Mỹ trên đầu người mỗi năm để sản xuất đủ muối iốt cho
người dân; nhưng chi phí vận chuyển lại rất cao và một nửa dân số (nửa tỷ
người) không thể có muối iốt thường xuyên. Hậu quả còn nghiệt ngã hơn cả
khuyết tật bẩm sinh: sưng tuyến giáp gây ra chứng bướu cổ xấu xí. Nếu vẫn
tiếp tục thiếu hụt iốt, tuyến giáp sẽ co lại. Vì tuyến giáp điều hòa việc sản
xuất và giải phóng hormone (gồm cả hormone từ não), nên cơ thể không thể
hoạt động bình thường khi thiếu nó. Con người sẽ nhanh chóng mất các khả
năng tư duy, thậm chí là còn thui chột trí tuệ.
Nhà triết học người Anh Bertrand Russell – một người theo chủ nghĩa hòa
bình nổi bật khác của thế kỷ 20 – từng viện dẫn những sự thật y học về iốt
để chống lại sự tồn tại của những linh hồn bất tử. Ông viết: “Năng lượng mà
con người dùng để tư duy dường như có nguồn gốc hóa học… Ví dụ: sự
thiếu hụt iốt sẽ biến một người thông minh thành thằng ngốc. Các hiện
tượng về mặt tinh thần dường như bị ràng buộc với cấu trúc vật chất”. Nói
cách khác, iốt khiến Russell nhận ra rằng lý trí, cảm xúc và ký ức phụ thuộc
vào điều kiện vật chất trong não. Ông cho rằng không có cách nào để tách
rời “linh hồn” khỏi cơ thể; và kết luận đời sống tinh thần phong phú – nguồn
gốc mọi vinh quang và phần lớn sự đau khổ của con người – thuần túy chỉ
mang tính hóa học. Chúng ta chính là những bảng tuần hoàn sống.