sóng lớn ở giữa chúng. Điều này là do chúng nhận năng lượng từ những đợt
sóng nhỏ từ hai bên.
Trong trường hợp của laser, không chỉ có hai mà là hàng ngàn tỷ tỷ “hòn đá”
(electron) tạo nên các sóng ánh sáng, tất cả giao thoa với nhau. Điểm mấu
chốt là Nguyên lý Bất định chỉ áp dụng cho các hạt riêng lẻ mà không áp
dụng cho tập hợp hạt. Trong một chùm sáng (tập hợp các hạt) thì khó mà
biết chính xác từng photon ở đâu; nếu độ bất định về tọa độ của mỗi photon
lớn như vậy (nghĩa là độ bất định về động lượng sẽ rất nhỏ), ta hoàn toàn có
thể gom năng lượng và hướng một cách vô cùng chính xác để tạo thành tia
laser. Lỗ hổng này rất khó khai thác, nhưng sẽ đem lại hiệu quả vô cùng
mạnh mẽ khi bạn nắm được nó. Đây chính là lý do Townes được tạp chí
Time vinh danh trong danh sách “Nhân vật của năm” (cùng với Pauling và
Segrè) vào năm 1960, và giành được giải Nobel năm 1964 với công trình về
maser.
Trên thực tế, các nhà khoa học sớm nhận ra có nhiều thứ ứng với ngoại lệ
này ngoài photon. Giống như các chùm sáng với lưỡng tính sóng-hạt, bạn
càng tìm hiểu sâu về các electron, proton (cũng như các hạt được cho là xác
định khác), chúng càng trở nên bất định. Ở mức lượng tử sâu nhất, khó hiểu
nhất, vật chất là bất định và có tính chất giống sóng. Và vì Nguyên lý Bất
định là một công thức toán học nêu lên giới hạn của việc xác định các sóng,
nên nó cũng áp dụng cho cả các hạt lượng tử nữa.
Điều này chỉ đúng ở cấp độ vi mô, cấp độ sánh được với giá trị vô cùng nhỏ
của hằng số Planck. Các nhà vật lý sẽ bối rối khi mọi người bắt đầu ngoại
suy lên quy mô con người và cho rằng Nguyên lý Bất định thật sự “chứng
minh” việc ta không thể quan sát một vật bất kỳ mà không thay đổi nó
(những người dám tìm tòi chọc ngoáy thậm chí sẽ cho rằng tính khách quan
chỉ là trò bịp và chính các nhà khoa học cũng đang lừa gạt bản thân rằng
mình là người “hữu tri”). Trên thực tế, trường hợp duy nhất mà sự bất định ở
kích thước nano ảnh hưởng đến mọi thứ ở cấp độ vĩ mô là trạng thái ngưng
tụ Bose-Einstein (BEC) kỳ lạ đã đề cập ở đầu chương này.