Sự lăng nhăng đó là đặc tính của cacbon. Không giống oxy, cacbon phải liên
kết với các nguyên tử khác theo bất kỳ hướng nào có thể. Trên thực tế,
cacbon chia sẻ electron với tối đa bốn nguyên tử khác cùng lúc, giúp nó xây
dựng các chuỗi phức tạp và thậm chí là cả mạng phân tử ba chiều. Vì chia sẻ
nhưng không thể đánh cắp electron, nên liên kết của cacbon bền và ổn định.
Dù hoàn cảnh của nitơ không đến mức lâm ly bi đát như cacbon, nó cũng
phải tạo ra nhiều liên kết để duy trì sự bền vững của mình. Các protein dài
như con trăn ở trên chỉ tận dụng các quy tắc cơ bản này. Một nguyên tử
cacbon trong thân amino axit chia sẻ một electron với nitơ ở đuôi một amino
axit khác, và khi các nguyên tử cacbon và nitơ được xâu chuỗi tới gần như
vô tận (như các chữ cái trong một từ rất, rất dài), protein sẽ hình thành.
Các nhà khoa học ngày nay đã có thể giải mã những phân tử dài hơn
“acetyl…serine” rất nhiều. Kỷ lục hiện tại thuộc về một protein khổng lồ mà
tên đầy đủ của nó gồm 189.819 chữ cái. Nhưng khi một số công cụ giải
nhanh trình tự amino axit ra đời trong những năm 1960, giới khoa học nhận
ra rằng họ sẽ sớm có được những danh pháp hóa học dài bằng chính cuốn
sách này (và việc kiểm tra chính tả sẽ là một cơn ác mộng). Vì vậy, họ đã bỏ
hệ thống danh pháp cồng kềnh kiểu Đức để quay lại với những cái tên ngắn
và ít đao to búa lớn hơn, ngay cả trong văn bản chính thức. Ngày nay,
protein dài 189.819 chữ cái kia thật may đã có tên là titin.* Nói chung, sẽ
chẳng có ai buồn viết (thậm chí là chỉ thử viết) tên đầy đủ của virus khảm
thuốc lá dài ngoằng đó lên giấy cả.
Điều này không có nghĩa là những nhà từ điển học nên dừng nghiên cứu về
hóa sinh. Y học luôn là mảnh đất màu mỡ cho những từ dài lố bịch sinh sôi:
từ không chuyên ngành dài nhất trong Từ điển tiếng Anh Oxford có liên
quan tới họ hàng gần nhất của cacbon về phương diện hóa học. Nguyên tố
này thường được coi là ứng viên sẽ thế chỗ cacbon để tạo nên sự sống ở các
thiên hà khác: silic – nguyên tố thứ 14.
Trong phả hệ, các bậc cha mẹ thường sinh ra con cái giống mình. Tương tự,
cacbon cũng có nhiều điểm chung với silic (nguyên tố ngay bên dưới nó)