với các bé mới sinh ra, chỉ vài giờ, hay vài ngày thôi cũng là những khoảng
thời gian rất quan trọng. Ấy thế mà trong thời gian ấy những người xung
quanh đã làm gì cho bé nào? Tôi thấy phần lớn là gửi con ở phòng giữ trẻ sơ
sinh của bệnh viện, chỉ khi nào cho bú thì bé mới được gặp mẹ một lúc. Tất
nhiên, cũng có những khi vì lý do an toàn vệ sinh hoặc vì cơ thể mẹ chưa bình
phục nên đành phải thế. Nhưng các bạn nên nhớ, giáo dục con trẻ là việc cần
phải bắt đầu từ khoảnh khắc mà con chào đời.
Nhắc đến giáo dục, các bà mẹ thông minh thường lôi ra đủ các loại sách tâm
lý trẻ thơ, sách nuôi dạy trẻ… để hòng đào tạo con mình thành thiên tài. Tuy
nhiên, sinh đẻ và chăm con là việc cần sự kết nối máu mủ mang tính động vật.
Có thai, đẻ con, chăm con là những hành động vốn dĩ có hơi hướng động vật
mạnh hơn. Và chắc chắn đó không phải là việc cứ bọc trong khăn trắng, khử
trùng là được. Do đó, nếu bây giờ bạn xem nhẹ yếu tố này thì sau này dù cố
gắng bao nhiêu cũng không thể lấy lại được “thời kỳ giáo dục” đã bỏ lỡ.
Trong cuốn sách này, yếu tố cơ bản khiến tôi muốn nhấn mạnh việc các bà mẹ
nên có trách nhiệm nhiều hơn trong việc nuôi dạy con cái cũng xuất phát từ
sợi dây kết nối mang tính động vật này. Chắc chắn, cho em bé nghe tiếng nhịp
đập thực sự của mẹ mình sẽ mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với nếu chỉ
được nghe những âm thanh nhân tạo. Mong các bà mẹ đừng quá chú tâm vào
“nuôi con theo khoa học” mà quên mất điều này.
5. “Bầu ngực” của mẹ là lớp học tuyệt vời nhất với đứa trẻ vừa mới chào
đời
Ngày nay, các bà mẹ trẻ thường hay quan tâm đến vấn đề nuôi con bằng sữa
mẹ hay bằng sữa ngoài. Về mặt dinh dưỡng, không phải chuyên gia nên tôi
không bàn luận. Tuy nhiên, vấn đề là ngày nay có nhiều bà mẹ vì muốn giữ
dáng bộ ngực nên không cho con bú. Ở phần trước, tôi cũng đã nói, khi được
mẹ bế trong lòng, bú vú mẹ, lắng nghe nhịp đập trái tim mẹ, nhìn ngắm khuôn
mặt mẹ, em bé sẽ được phát triển một cách toàn diện về tâm sinh lý. Đây
cũng chính là mối quan hệ thật sự giữa người mẹ và đứa con. So với bú bình,
bú mẹ tốt hơn rất nhiều cho sự phát triển trí não của bé.
Ví dụ thế này, ở một bệnh viện phụ sản của Mỹ, người ta làm một thí nghiệm
với 24 bé sơ sinh. Chia các bé thành hai nhóm để chăm sóc, một nhóm thì cho
nằm trong phòng chỉ có các bé, còn một nhóm thì thường xuyên có mẹ bên
cạnh, lúc đói là có mẹ cho bú ngay. Khi làm điều tra về kết quả ngôn ngữ của
các bé sau 2 năm, 5 năm thì thấy, các bé nhóm thứ hai có khả năng ngôn ngữ
vượt trội hơn nhiều so với nhóm thứ nhất. Do đó, nếu ở những năm đầu đời
mà không chú ý bồi đắp thì đến khi em bé lớn lên, đi học mẫu giáo rồi, dù lúc
đó mẹ định thúc đẩy thêm sự phát triển trí tuệ cho bé đi nữa cũng khó mà đạt
được kết quả như mong muốn.