tuần tra vọng lên. Võ Nguyên Giáp và những người cùng đi đành nằm sấp,
bò sát đất qua các ngọn cỏ thấp và cố lết đến cửa rừng. Họ cố lom khom đi
tiếp. Khoảng đến trưa, Võ Nguyên Giáp và Thiết Hùng quá mệt, hai người
dẫn đường phải vừa dìu, vừa kéo họ đi. Cuối cùng, đến chiều, mặt trời đã
ngả về tây, bóng hoàng hôn đang phủ dần cây cỏ thì cũng là lúc họ đến nơi
an toàn.
Mấy ngày sau, Võ Nguyên Giáp thoát khỏi sự nguy hiểm của lính Pháp
thì lên cơn sốt rét rừng kéo dài gần hai tháng rưỡi. Ký ninh không có, một
thầy lang mang đến ít rễ cây rừng sắc lên cho ông uống. Mấy nữ cán bộ thấy
sức khỏe của ông sa sút, bèn giấu mấy cái áo của ông đưa cho thầy cúng
trong bản làm phép trừ tà chữa bệnh. Cuối cùng khi lính tuần tra Pháp rút
khỏi khu rừng nghi vấn có cơ sở Việt Minh thì đồng chí Cáp (người chỉ huy
việc cho nổ thử không thành công trái mìn tự tạo) từ cơ quan lãnh đạo trở về
có đem theo một ít ký ninh. Mấy hôm sau Võ Nguyên Giáp đã gượng ngồi
dậy được.
Chiến dịch khủng bố của Pháp hòng dập tắt phong trào Việt Minh kéo
dài đến cuối năm 1943, rồi sau đó lại kéo dài đến cuối tháng 6/1944. Tuy
nhiên, phong trào Việt Minh vẫn phát triển bất chấp mọi hành động khủng
bố và đàn áp dã man của địch. Cuối năm 1943 ở một số vùng cán bộ của
Việt Minh hoạt động gần như công khai đã tổ chức những cuộc biểu tình vũ
trang có đông người dự, luyện tập trên những cánh đồng trống, đánh trận giả
giữa ban ngày, đến năm, sáu chục người tham gia. Đôi khi hàng nghìn người
được huy động đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động vũ trang chống
khủng bố, bảo vệ dân làng rút vào rừng, ngăn chặn các đội tuần tiễu của
địch. Chính quyền Pháp không chịu bó tay ngồi nhìn. Cuối tháng 9 gặt hái
xong, quân Pháp tiến hành tuần tra đi sâu vào các vùng có phong trào mạnh
vừa để cướp lúa, vừa triệt đường tiếp tế lương thực cho Việt Minh.
Ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng đã thực sự trở thành chiến khu có cơ sở chính
trị vững mạnh và lực lượng vũ trang bảo vệ. Trước “Khủng bố trắng” của
Pháp, Võ Nguyên Giáp quyết tâm giữ vững cơ sở hạ tầng đã mất bao công