phải chấp nhận cho đoàn quân đi qua. Họ đi qua con đường dọc đê sông
Hồng, tiến vào thành phố. Đoàn quân nhạc cử các bài hành khúc nghênh đón
trong khi quân của Võ Nguyên Giáp qua cầu Long Biên. Các chiến sĩ chia ra
hai hàng dọc theo mép đường. Đạn đã lên nòng sẵn sàng nổ khi gặp bất trắc.
Họ đã vào thủ đô như vậy.
Tháng 8 năm nay nước sông lên sớm và lưu lượng nhiều hơn mọi năm.
Nhiều nơi đê bị vỡ hoặc sạt lở. Sáu tỉnh đồng bằng - vựa lúa của miền Bắc -
bị ngập lụt. Bệnh truyền nhiễm hoành hành. Không may là nước lụt vừa rút
thì nạn hạn hán lại ập tới kéo dài. Phần lớn lúa mùa mất trắng, nhiều cánh
đồng bỏ hoang. Nạn đói xảy ra lác đác từ năm 1944 đã lan rộng khắp nông
thôn miền Bắc, và vào lúc giáp hạt đầu năm 1945 làm hơn hai triệu người
chết. Võ Nguyên Giáp đau đớn kể lại: “Dân sống ngày nào biết ngày ấy. Ở
thành phố, xe đổ rác không đủ để dọn xác chết đưa ra ngoại ô chôn cất.
Từng đoàn người rách rưới, thất thểu bỏ làng đi ăn xin ở các chợ cửa ô thành
phố. Nhiều người ngã vật xuống lề đường như lá rụng mùa thu. Nhiều khi
cánh tay người cảnh sát chỉ khẽ đụng vào cũng đủ làm cho họ khuỵu xuống
không thể gượng dậy được nữa”.
Lucien Conein nhìn đoàn quân của Võ Nguyên Giáp vào thành phố.
Conein không có ấn tượng về họ: “Mình mà có một tiểu đoàn thì ăn tươi
nuốt sống ngay đám người mang súng kia! Mà cần gì một tiểu đoàn nhỉ, chỉ
một đại đội cũng đủ nuốt gọn!”
Về phần mình, Võ Nguyên Giáp cố gắng tạo cho quân đội một thế lực
gần như thần bí. Ông kể: “Suy nghĩ của dân chúng hoàn toàn thay đổi khi họ
được biết Việt Minh đã chiếm Hà Nội. Mọi tệ nạn biến mất, ngay cả trộm
cắp vặt cũng gần như không còn. Không thấy một người ăn mày nào trên
đường phố hay ở chợ. Người ta chẳng thiết gì kinh doanh, buôn bán mà chỉ
gọi nhau hội họp, mít tinh biểu tình. Thanh niên con trẻ tập đi thành đội ngũ,
học các bài ca cách mạng. Cờ đỏ sao vàng khắp nơi…”