khẩu hiệu, áp phích dán khắp nơi kích động lòng căm thù chủ nghĩa đế quốc
Pháp.
Võ Nguyên Giáp chính thức gánh vác công việc ở Bộ Nội vụ từ ngày
29/8 và mặc dù người bạn cũ của ông là Chu Văn Tấn giữ chức Bộ trưởng
Quốc phòng nhưng chính Võ Nguyên Giáp mới nắm thực quyền chỉ huy lực
lượng vũ trang. Là người đứng đầu về quân sự, ông biết rõ tính năng động
của chính quyền cách mạng là ở khâu nào. Là Bộ trưởng Nội vụ, ông có
những cuộc tiếp xúc hàng ngày với đủ loại người phương Tây từ nhà ngoại
giao đến những người có trách nhiệm khác sẵn sàng áp đặt bằng vũ lực điều
mà người Việt Nam từ chối thương lượng. Đây là một trách nhiệm nặng nề,
ông vừa phải duy trì hòa bình vừa phải chuẩn bị cho cuộc chiến tranh có thể
nổ ra bất cứ lúc nào, qua đó Võ Nguyên Giáp trưởng thành nhanh chóng về
mặt chính trị.
Xây dựng quân đội là một trọng trách đặc biệt đối với Võ Nguyên Giáp
và ông luôn có ý thức về mặt quan hệ cộng sinh giữa chính trị và quân sự.
Ông cũng biết chỉ dựa vào giải pháp quân sự không thôi thì kết quả đạt được
rất mong manh, chỉ có một nền chính trị vững chắc mới có thể đảm bảo cho
các thành quả cách mạng. Ông có vị trí khá thuận lợi. Là thành viên trong bộ
máy lãnh đạo về chính trị, ông có thể tin chắc là những quan điểm quân sự
của ông sẽ nhanh chóng được thông qua. Là người đứng đầu quân sự, ông
biết là các đồng nghiệp chính trị của ông sẽ nghe theo quan điểm chính trị
của ông.
Ngày 30/8, Hoàng đế Bảo Đại thoái vị, trao quyền lực cho Chính phủ
cách mạng lâm thời do Hồ Chí Minh thành lập và trở thành “người công dân
Nguyễn Vĩnh Thụy, dân của một nước tự do”. Ông nhận lời mời của Hồ Chí
Minh làm cố vấn tối cao của Chính phủ lâm thời. Điều này tăng thêm khả
năng thuyết phục được những người bình thường, giới quan lại cũ và những
phần tử do dự, lưng chừng chấp nhận và ủng hộ Chính phủ. Cuối cùng, Việt
Minh đã nắm trọn quyền điều hành đất nước.