luyện kim nguyên thủy thế kỷ XVI - XVII, tất cả đến bốn chục loại, bắn đủ
các loại đạn khác nhau”.
Võ Nguyên Giáp đã kể ra một số loại vũ khí trong vô số loại mà quân
đội của ông đã sử dụng: mút-cơ-tông, súng trường ngắn nòng, súng bắn lựu
đạn, súng săn cỡ 12, 16, 20, súng nòng ngắn của kỵ binh Nhật, súng trường
Anh 7,7mm, súng remington của Mỹ sản xuất năm 1903 và 1917, súng
mauser của Đức 9mm và 7,5mm. Không phải là Võ Nguyên Giáp muốn thế
nhưng đó là buổi đầu tất yếu phải trải qua. Ít nhất quân sĩ của ông cũng phải
có cái gì để mà tự vệ chứ!
Đồng thời Võ Nguyên Giáp cũng nói thẳng với quân đội của ông rằng
có gì dùng nấy, bất cứ thứ vũ khí nào có trong tay đều có thể dùng để đánh
địch. Trong lần trả lời phỏng vấn Jean Lacouture đăng trên báo Paris - Sài
Gòn ngày 27/2/1946, Võ Nguyên Giáp nhắc lại những ý nghĩ của ông về
tương lai không mấy sáng sủa: “Nếu nước Pháp không nhìn xa trông rộng
khiến xung đột nổ ra thì nên biết rằng chúng tôi quyết chiến đấu bất chấp
mọi tổn thất về sinh mạng và vật chất”.
Sức ép đối với Chính phủ Hồ Chí Minh tăng lên từ khi một phái đoàn
ngoại giao ký Hiệp ước Pháp - Hoa ngày 28/2/1946 quyết định Trung Quốc
chấp nhận để Pháp gửi một số quân hạn chế đến miền Bắc Đông Dương thay
thế quân Trung Quốc sẽ rút về nước trong khoảng từ ngày 1 đến ngày 15/3,
chậm nhất là 31/3. Đổi lại Pháp từ bỏ những khu nhượng địa cũ và những
quyền lợi khác ở Trung Quốc. Điều đó tạo điều kiện cho Pháp được rảnh tay
lập lại nền thống trị thuộc địa ở Đông Dương. Chính phủ Hồ Chí Minh có
khả năng thực sự điều hành công việc của đất nước từ khi về Hà Nội tháng
8/1945 nay đang gặp phải những tảng đá ngầm, trong lúc một số khủng
hoảng xuất hiện ngày càng rõ ràng đối với Võ Nguyên Giáp và các đồng chí
của ông.
Từ tháng 8/1945, trong các cuộc đàm phán ngắt quãng với người Pháp,
Hồ Chí Minh cố gắng tìm cách xây dựng phương án thỏa hiệp để giữ cho