Minh cho biết có thể nhận Việt Nam là một “quốc gia tự do” có chính phủ,
quốc hội, quân đội, tài chính riêng và chấp nhận giải quyết vấn đề Nam Kỳ
sẽ hoãn lại cho đến khi tổ chức trưng cầu ý dân. Ông cũng nhấn mạnh việc
nhiều nhất là 15.000 lính Pháp sẽ được phép vào miền Bắc thay thế lính
Trung Hoa sắp rút về nước, hoàn thành việc giải trừ quân bị và hồi hương
nốt quân Nhật còn lại. Thêm nữa, Hồ Chí Minh muốn thấy số quân Pháp sau
khi hoàn thành nhiệm vụ được giao đó sẽ rút dần về nước. Họ chỉ có thể ở
lại 10 tháng, không được thêm một ngày nào nữa. Còn những lực lượng
khác của Pháp phải rút hết trong thời hạn 5 năm.
Phái đoàn Sainteny chấp nhận đề nghị đó của Hồ Chí Minh, một đề
nghị không khác lắm so với các giải pháp của Pháp đã đưa ra trước đó, trừ
từ “tự do” thay cho từ “độc lập”. Trong lúc đó, Bảo Đại đã phàn nàn với Võ
Nguyên Giáp về việc đã quá nhân nhượng với Pháp và đã đi giật lùi. 16 giờ
ngày 6/3/1946 hai phái đoàn Pháp - Việt gặp nhau, có sự chứng kiến của đại
biểu Pháp, các sĩ quan chỉ huy Bộ Tham mưu Bắc Đông Dương của quân
đội Trung Hoa, các quan sát viên của phái đoàn Mỹ và lãnh sự quán Anh.
Võ Nguyên Giáp ghi lại một cách khinh miệt rằng: “Các vị người to béo, tác
phong lịch thiệp ấy đa số là sĩ quan quân đội”, trái ngược hoàn toàn với Hồ
Chí Minh - một ông già mảnh khảnh, đến để ký một văn kiện quan trọng
trong bộ quần áo kaki bạc màu, đi đôi giày vải màu xanh chàm. Võ Nguyên
Giáp nói về tình hình lúc đó: “Bức tranh tóm tắt tình thế lúc đó xung quanh
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một vòng vây dày đặc đế quốc”.
Những hình ảnh chua xót trong quá khứ diễn ra trước mắt Võ Nguyên
Giáp. Ông nghĩ đến Jules Harmand, Tổng lãnh sự và Ủy viên trưởng Cộng
hòa Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong nhiều năm trước đây, dựa vào đại bác
và quân đội đã buộc vua quan triều Nguyễn phải ký hiệp ước nhục nhã năm
1883. Ông nghĩ đến Hiệp ước Patenotre cũng do Pháp áp đặt một năm sau,
đặt đất nước hoàn toàn dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Ông nhớ lại,
cũng từ ngày đó độc lập dân tộc và các quyền tự do khác kể cả quyền thiết
lập quan hệ với nước ngoài đều bị Pháp tước bỏ.