Trong những ngày tiếp theo, Võ Nguyên Giáp tận dụng triệt để mặt có
lợi của Hiệp định sơ bộ 6/3 và bản Phụ lục quân sự. Tuy không giành được
kết quả riêng biệt nào nhưng ông nhấn mạnh quyền được tham khảo ý kiến
mỗi khi Pháp muốn di chuyển lực lượng của họ ngoài những điểm đóng
quân được thỏa thuận trong phụ lục. Ngày 22/3 Võ Nguyên Giáp cùng
Leclerc tổ chức cuộc duyệt binh chung Pháp - Việt và đặt vòng hoa tại đài
tưởng niệm chiến sĩ tử vong Pháp và Việt. Ngày hôm đó trong diễn văn Võ
Nguyên Giáp còn khen ngợi quân đội Pháp. Chắc hẳn đây là điều khó chịu
đối với ông nhưng lại quan trọng đối với Đảng vì đã tìm được cách thể hiện
hòa hoãn với Pháp.
Hai bên tiến hành một hội nghị quan trọng ở Đà Lạt khai mạc tối ngày
18/4/1946. Đây là một nơi nghỉ dưỡng trên núi thuộc tỉnh Lâm Đồng, giữa
cao nguyên miền trung, do khí hậu tương đối mát mẻ nên trở thành một nơi
nổi tiếng với người châu Âu không chịu được cái nóng của xứ Đông Dương.
Võ Nguyên Giáp tham gia hội nghị Đà Lạt với cương vị Trưởng đoàn đại
biểu Chính phủ Việt Nam và người ta có dịp thấy ông là con người có lập
trường chính trị kiên định, có ý chí ngoan cường trong lập luận, đấu tranh
bênh vực quan điểm của ông đến cùng. Chính ở Đà Lạt mà người Pháp đặt
cho ông biệt danh là “núi lửa phủ tuyết”. Đây là biệt danh hoàn toàn thích
hợp với tính khí của ông: bên ngoài nhìn chung đó là một con người bình
tĩnh nhưng ẩn chứa bên trong là thái độ chính trị bất biến, một tinh thần yêu
nước nồng nàn và tinh thần căm thù giặc Pháp sục sôi. Một trong những
người quan sát lúc đó đã miêu tả ông: dịu dàng, hiền lành nhưng kiên quyết,
hàm răng luôn luôn dính chặt và không bao giờ mỉm cười. Ông có cặp mắt
sáng, cương nghị.
Khi nói chuyện tay đôi, ông luôn giữ thái độ thân ái, tranh thủ được
cảm tình của người đối thoại trước mặt ít nhất khi hai người thân mật xưng
hô “mày - tao” với nhau. Nhưng Võ Nguyên Giáp đã không giấu nổi sự thất
vọng khi ông lên tiếng rằng hội nghị phải đề cập các vấn đề liên quan đến
Nam Kỳ, thì các đại biểu Pháp khẳng định ngay họ không được quyền thảo