Trong 7 tháng tồn tại, báo Le Travail của Võ Nguyên Giáp ra được 30
số. Đến thời điểm đó, ông đã hiểu rõ mọi mặt của nghề báo. Ông viết xã
luận và viết bài về các sự kiện quan trọng đang diễn ra rồi ông lại đăng lại
các mẩu tin ngắn để viết bình luận, tiến hành điều tra và viết phóng sự về
các đề tài khác nhau có liên quan đến chủ nghĩa thực dân, đi từ in đá đến in
máy quay, rót mực vào rulô rồi quay cho máy chạy, nhiều lần ông tự tay dập
các bản mẫu các trang báo.
Cáng đáng tất cả các công việc quả là quá sức một con người. Khi ban
lãnh đạo Đảng giao công việc khác cho Trường Chinh và Phạm Văn Đồng,
họ phải đi xa Hà Nội một thời gian thì chỉ còn một mình Võ Nguyên Giáp
đảm nhận mọi công việc ở tòa báo. Ông làm việc từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng,
viết và sắp bài cho các báo hàng tuần đôi khi dày tới 48 trang. Ngủ ít, ăn qua
loa bữa điểm tâm, rồi ông chạy vội đến Trường Thăng Long cho kịp giờ lên
lớp. Tại đây ông truyền bá không biết mệt những ý tưởng của chủ nghĩa
Mác-Lênin qua các bài giảng trên lớp, trong các buổi trò chuyện với học
sinh, với đồng nghiệp. Đúng là một con người năng động hiếm có! Hàng
chuỗi công việc trải nhiều ngày liền như thế khiến ông cạn kiệt sức lực.
Ngày 16/4/1937, nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa tòa soạn báo Le
Travail. Năm 1938, Trường Chinh và ông, với nhịp điệu làm việc hợp lý
hơn, cùng lao vào một công việc quan trọng khác đó là viết một công trình
nghiên cứu gồm 2 tập về nông thôn Việt Nam được xuất bản với nhan đề
Vấn đề dân cày 1937 - 1938. Cả hai tác giả đều ký bút danh, Võ Nguyên
Giáp lấy bút danh Vân Đình và Trường Chinh lấy bút danh Qua Ninh. Cả
hai người đều cho rằng cuộc cách mạng cộng sản phải dựa trên nền tảng giai
cấp nông dân đồng thời là giai cấp vô sản. Tác giả William Burchett, một
người luôn bênh vực mọi luận thuyết cộng sản, miêu tả cuốn Vấn đề dân cày
1937 - 1938 là sự “phân tích bậc thầy”, “một công trình nghiên cứu xuất
sắc”, trở thành “nền tảng cho chính sách của Đảng Cộng sản, sau đó là của
Việt Minh đối với giai cấp nông dân”.