Khoảng năm 1939, Võ Nguyên Giáp đã có vị trí nhất định trong hàng
ngũ lãnh đạo của tổ chức cộng sản. Các đảng phái khác đang tan rã, đảng
viên tan tác, những người lãnh đạo bị bắt, bị tra tấn hoặc bị xử tử. Nhờ các
trung tâm đào tạo ở Liên Xô cũng như ở Trung Quốc, những người cộng sản
có thể thay thế người lãnh đạo của họ dễ dàng hơn so với các đảng phái khác
không có được sự giúp đỡ từ bên ngoài như vậy.
Ngoài Hồ Chí Minh, còn có tên khác là Nguyễn Ái Quốc hiện đang ở
Liên Xô, còn lại chỉ có hai người có thể khẳng định họ chiếm các vị trí then
chốt trong bộ máy tổ chức của Đảng. Một là Phạm Văn Đồng, là người
nhiều hơn Võ Nguyên Giáp 6 tuổi. Người kia là Trường Chinh có nhiều năm
thử thách trong nhà tù. Nếu không rơi vào tay nhà đương cục Pháp một lần
nữa, Võ Nguyên Giáp hẳn có tương lai rất nổi bật.
Việc Võ Nguyên Giáp nhanh chóng khẳng định được vị trí của mình là
nhờ vào những nỗ lực vượt bậc của ông, bên cạnh đó là một chút may mắn.
Ông đang ở tuổi cường tráng và đã qua con đường học vấn trong những năm
tạm lắng, không bị trở ngại vì những cuộc nổi dậy, vì sự chiếm đóng của
Nhật hay vì sự đàn áp của Pháp. Ông vừa tham gia công tác cho Đảng lại
vừa đi học. Ông kiếm sống bằng những bài viết của mình cho Đảng, qua đó
được các cấp bộ đảng đánh giá cao.
Những đảng viên khác không được sáng suốt như thế trong việc phân
tích những yêu cầu của Việt Nam. Trong cương lĩnh chính trị của họ không
có điểm nào nói về vai trò của giai cấp nông dân trong khi những người
cộng sản đã biết bài học từ cuộc nổi dậy của nông dân Nghệ Tĩnh từ những
năm 1930. Những người cộng sản biết dựa vào các tổ chức quần chúng
trong cả nước, biết được thời điểm nào là thuận lợi để có thể giành được sự
ủng hộ của quần chúng cần thiết cho sự nghiệp của họ. Vì vậy, trong lúc Võ
Nguyên Giáp và Đảng Cộng sản làm việc để chuẩn bị cho tương lai, ông
không ngừng tranh thủ sự tín nhiệm của tổ chức.