Tâm trạng thất vọng là dấu hiệu để chúng ta biết mình
cần thay đổi chiến lược
Một cảm xúc tiêu cực thường gặp khác là “thất vọng”. Thất vọng là cảm
xúc khi ta không đạt kết quả mong muốn, dù đã nỗ lực nhiều lần. Cha mẹ
thất vọng khi thấy con cái không chịu làm bài tập về nhà, dù đã suốt ngày đi
theo nhắc nhở. Nhân viên bán hàng thất vọng khi khách không chịu mua
hàng dù đã cố gắng thuyết phục trong nhiều giờ liền. Vị phó phòng thất
vọng vì cuối cùng không được thăng chức, dù đã dốc hết sức mình.
Đa số mọi người để cho tâm trạng thất vọng chiếm lĩnh đến nỗi giận dữ
và từ bỏ. Đã bao giờ bạn chán nản thất vọng đến mức “đầu hàng bỏ cuộc”
chưa? Nhiều người muốn tránh cảm giác thất vọng bằng cách bỏ qua những
việc quá khó hoặc rắc rối, phiền hà.
Tuy nhiên, bạn cần ý thức một điều rằng cảm giác thất vọng xuất hiện
không phải để trừng phạt chúng ta. Thất vọng hiện diện nhằm chuyển tải
đến ta một thông điệp với mục đích tốt đẹp. Khi chúng ta cảm thấy thất
vọng, nghĩa là ta phải thay đổi phương pháp. Ta phải làm khác đi để gặt hái
kết quả mong muốn.
Một trong số các học viên của tôi (chuyên gia tư vấn bảo hiểm doanh
nghiệp) thất vọng nặng nề với công việc đến mức cô định thôi việc chỉ sau
ba tháng. Cô đã thực hiện hàng trăm cuộc gọi đến các đối tượng tiềm năng
mà không kiếm nổi cuộc hẹn nào.
Khi cô tham dự khóa học “Sống & Khát Vọng” của tôi, tôi bảo cô rằng
nếu cô còn tiếp tục bỏ ngoài tai thông điệp của những lần bị từ chối liên
miên gửi đến cô, thì cô sẽ không bao giờ đạt được chỉ tiêu kinh doanh.
Thông điệp ấy chính là cô phải thay đổi cách tiếp cận khách hàng của mình.
Khi ngẫm nghĩ lại, cô nhận thấy rằng cứ mỗi lần cô mở miệng nói đến
dịch vụ “bảo hiểm doanh nghiệp” thì y như rằng khách hàng không muốn
nghe nữa và ngay lập tức đáp rằng họ không có nhu cầu. Cô quyết định áp
dụng chiến thuật khác.