phương diện quân lệnh cho tôi theo dõi việc điều động bộ đội đến trận địa
mới.
Khi Kiếc-pô-nô-xơ cho chúng tôi ra về, tham mưu trưởng ra hiệu cho tôi
đi theo đồng chí. Tới phòng làm việc, đồng chí mệt mỏi buông mình xuống
ghế.
– Tập đoàn quân 6 đang xảy ra chuyện gì vậy? – tôi sốt ruột hỏi.
– Hừ! – Puốc-ca-ép bực tức vung tay. – Sau khi nhận được chỉ thị của
chúng tôi là tiến công vào Rô-ma-nốp-ca thì Mu-dư-tsen-cô lại gửi cho
chúng tôi cái này đây. Đồng chí ấy cố chứng minh là không thể tiến công
được… Đồng chí ấy lấy đâu ra thì giờ để viết báo cáo dài dằng dặc như thế
này!
Tướng Mu-dư-tsen-cô là một người kiên nghị hiếm có và rất không thích
viết dài nên khó mà tin rằng đồng chí lại đủ kiên nhẫn để viết nổi một văn
kiện dài dòng như vậy. Có lẽ là cán bộ tham mưu cố vẽ ra thôi.
Lướt qua nội dung báo cáo, tôi nói là nếu theo đề nghị này thì cả cuộc
tiến công của tập đoàn quân Pô-ta-pốp cũng sẽ mất hết ý nghĩa.
– Đúng thế đấy, - Puốc-ca-ép buồn rầu đáp. – Nếu thế thì chúng ta sẽ
phải chuyển sang phòng ngự bị động, và bọn Đức sẽ có điều kiện tấn công
Ki-ép mà không gặp trở ngại gì. Chính vì vậy mà chúng ta không thể đồng
ý với những đề nghị của tướng Mu-dư-tsen-cô. Đại bản doanh yêu cầu
chúng ta phải phản kích quyết liệt nhằm bịt mọi cửa mở và tiêu diệt địch.
Thay cho chấp hành mệnh lệnh, chúng ta lại báo cáo với Mát-xcơ-va rằng
ta không đủ lực lượng và không thể tiến công trong những điều kiện đó hay
sao? Chẳng lẽ Đại bản doanh và Bộ Tổng tham mưu lại không hiểu bộ đội
ta đang ở trong tình hình như thế nào ư?!
Phải nói một cách khách quan là tướng Mu-dư-tsen-cô không hề nói quá
về tình thế nặng nề của tập đoàn quân của mình và tình trạng không đủ lực
lượng để tiến công. Dù sao, trong hoàn cảnh chính diện bị chia cắt thì
không có lối thoát nào khác hơn. Nếu bộ đội ta chuyển sang phòng ngự bị
động sẽ chỉ có lợi cho địch.