bố trí lại các đơn vị của y. Quân đoàn bộ binh 29 có lực lượng chiến đấu
mạnh được đưa vào cụm xung kích chĩa vào ngoại vi Tây – Nam của thành
phố. Địch cũng vội vã ném vào đó cả những binh đoàn thuộc thê đội tác
chiến hai.
Đến cuối tháng Bảy, địch đã tập trung được hơn hai mươi sư đoàn ở các
cửa ngõ vào Ki-ép.
Bộ chỉ huy phát-xít Đức chuẩn bị đòn đột kích mới, đã tính toán không
chỉ nhằm chiếm Ki-ép mà còn nuôi ý định sau khi cắt được tập đoàn quân 5
của ta ra khỏi sông Đni-ép-rơ, sẽ bắt liên lạc với cánh quân ở Mô-dưa thuộc
cụm các tập đoàn quân “Trung tâm”. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua
nhật ký của Han-đe ghi ngày 20 tháng Bảy: “Chiến dịch của các đơn vị của
Rây-khơ-nao phải đạt mục đích hất đối phương ra khỏi sông Đni-ép-rơ.
Ngày 25 và 26 tháng Bảy có thể hiệp đồng với quân đoàn bộ binh 35 đang
hoạt động ở khu vực Mô-dưa”. Thế nhưng, tập đoàn quân của Pô-ta-pốp đã
không cho địch thực hiện ý định đó. Cho nên, mười ngày sau, như tướng A.
Phi-líp-pi của tập đoàn quân Hít-le viết, bộ tổng chỉ huy lục quân Đức một
lần nữa phải xác định lại nhiệm vụ trước đây: “Tập đoàn quân 6 phải tiến
công đối phó với tập đoàn quân 5 của quân Nga hoạt động ở đoạn đầm lấy
phía Tây – Bắc Ki-ép, nhằm ngăn đối phương rút sang bờ Bắc sông Pri-pi-
át và tiêu diệt chúng ở phía Tây sông Đni-ép-rơ”.
Dù kẻ địch tập trung được những lực lượng rất lớn, nhưng chúng cũng đã
phải trả giá cho mỗi bước tiến quân, bị mất nhiều sinh lực, khí tài và,về
thực chất, vẫn bị cầm chân tại chỗ. Đến cuối tháng Bảy, ở phía trước các
khu vực cố thủ Cô-rô-xten và Ki-ép, nhìn chung, quân địch đã phải dừng
lại. Còn ở phía Nam Ki-ép, những lực lượng đáng kể của tập đoàn quân 6
và cụm xe tăng 1 của địch đã sa vào những trận chiến đấu khốc liệt. Ở đây,
tập đoàn quân 26 của ta đã bẻ gãy mọi ý đồ của địch hòng đột phá tới
những chỗ vượt sông Đni-ép-rơ ở Rơ-gi-sép và Ca-nép. Tuyến mặt trận Ki-
ép vẫn khá ổn định, cách con đường sắt Ki-ép – Cô-rô-xten 15-20 ki-lô-mét
về phía Nam và trải dài tới sông Iô-pen, rồi chạy dọc theo bờ trái, sau vòng
qua Va-xin-cốp, Bô-gu-xláp, Mét-xin, Xmê-la.