nghị tăng cường những lực lượng dự bị cần thiết cho phương diện quân, và
nếu Đại bản doanh không có lực lượng dự bị thì cho phép lấy hai sư đoàn
của khu vực cố thủ Ki-ép và hai sư đoàn của tập đoàn quân 26. Ngay hôm
ấy, Tổng tham mưu trưởng thông báo rằng Tổng tư lệnh tối cao không phản
đối việc bố trí lại lực lượng trong phương diện quân như vậy.
Chúng tôi ở bộ tham mưu phương diện quân hiểu rằng những biện pháp
đó cũng hoàn toàn chưa đủ. Trận đánh với quy mô ngày càng lớn, như
miếng bọt bể hút nước, đã nuốt chửng ngay những lực lượng dự bị nhỏ bé
mà sở dĩ chúng tôi có được là nhờ rút bớt lực lượng ở những đoạn khác
chưa bị địch tiến công. Vậy thì bất kỳ lúc nào, địch có thể đột kích vào
những chỗ yếu nhất trong tuyến phòng ngự của ta.
Bộ tư lệnh tối cao đã làm tất cả những gì có thể để chi viện cho chúng
tôi. Như đã nói ở trên, trong số những biện pháp kiên quyết đã áp dụng,
phải kể đến việc hợp nhất Phương diện quân Trung tâm và Phương diện
quân Bri-an-xcơ vào tay tướng Ê-ri-ô-men-cô, chuyển thuộc cho đồng chí
những lực lượng dự bị của Đại bản doanh nhằm mục đích duy nhất là đánh
tan được các đơn vị của Gu-đê-ri-an. Cũng nhằm mục đích đó, tập đoàn
quân 40 đã gấp rút được thành lập để cải thiện tình hình ở chỗ tiếp giáp
giữa các phương diện quân. Song, khả năng của Đại bản doanh cũng chỉ có
hạn.
Tổng tư lệnh bộ đội hướng Tây – Nam vẫn chăm chú theo dõi những sự
kiện ở phương diện quân chúng tôi, đã kịp thời thấy rõ nguy cơ ẩn náu
trong cái bàn đạp của địch ở phía Đông – Nam Crê-men-tsúc. Ngày 4 tháng
Chín, X. M. Bu-đi-ôn-nưi liên lạc với Kiếc-pô-nô-xơ.
– Chậm thanh toán cái bàn đạp ở Đê-ri-ép-ca có nghĩa là tự sát, - Nguyên
soái nói và yêu cầu phải hất bọn Hít-le ra khỏi bàn đạp sông Đni-ép-rơ.
Đồng chí đề nghị phái những đại diện có trách nhiệm của phương diện
quân tới giúp tư lệnh tập đoàn quân là Phê-cơ-len-cô.
Kiếc-pô-nô-xơ lệnh cho tôi triệu tập chủ nhiệm pháo binh M. A. Pác-xê-
gốp, chủ nhiệm ô-tô – xe tăng – cơ giới V. T. Vôn-xki và tham mưu phó
không quân V. M. Lô-đô-vôi – Xép-tsen-cô tới gặp đồng chí.