Thứ bảy, chúng tôi đã gửi xong các văn kiện khẩn về Mát-xcơ-va. Mấy
chiếc xe buýt và xe tải chạy đến cổng bộ tham mưu quân khu. Các chiến sĩ
và cán bộ chỉ huy nhanh chóng sắp xếp văn kiện, bản đồ, bàn ghế, máy chữ
lên xe. Anh em vừa làm, vừa đùa tếu.
Một buổi chiều ấm áp. Hương thơm dịu mát phảng phất trong các công
viên và vườn hoa rợp bóng. Người Ki-ép đi làm về. Đường phố nhộn nhịp.
Không ai có thể nghĩ rằng chỉ còn mươi tiếng đồng hồ nữa thôi, cái khoảnh
khắc bất hạnh kia sẽ ập tới, bất ngờ cắt đứt nhịp sống yên lành để rồi vang
lên hai tiếng khủng khiếp “chiến tranh”.
Khi đoàn xe chúng tôi chạy qua những khu đông dân của thành phố tới
đường rải nhựa đi Gi-tô-mia, trời hãy còn sáng. Ngồi trên chiếc xe con đi
đầu đoàn xe, tôi lướt qua những trang báo mà ban ngày chưa kịp đọc và
không thấy có tin gì đáng lo ngại.
Nhưng dù sao vẫn cảm thấy không yên. Có lẽ, bởi tôi và các đồng chí trợ
lý biết được nhiều hơn những gì đăng trên báo.
Chưa đến Gi-tô-mia, chúng tôi đã nghe thấy tiếng còi gióng một của
những chiếc xe đi sau. Tôi lệnh cho lái xe dẹp vào bên đường và dừng lại.
Hóa ra, một số xe trục trặc phải nằm lại. Trong đêm, đoàn xe còn phải dừng
lại mấy lần. Những trục trặc ngoài dự tính phá vỡ biểu đoàn hành quân. Có
nguy cơ không đưa được đoàn xe đến Tác-nô-pôn trước 7 giờ sáng. Trong
quân đội, ý thức chấp hành chính xác mệnh lệnh đã trở thành thói quen, nên
không cho phép tôi được bó tay. Thêm vào đó, suốt đêm, tôi còn bị dày vò
bởi ý nghĩ chiến tranh có thể xảy ra vào lúc rạng đông. Tôi hạ lệnh tăng tốc
độ hành quân. Mờ sáng, chúng tôi mới đến gần Brô-đư – một thị trấn Ucra-
i-na nhỏ, chìm trong bóng cây. Chúng tôi nghỉ lại mười phút.
Các phụ trách xe buýt và xe tải đón tôi ở cửa xe và báo cáo:
– Báo cáo đồng chí đại tá, mọi việc đều tốt đẹp.
Trở lại đầu hàng quân, tôi định phát tín hiệu “Xuất phát” thì bỗng nghe
thấy tiếng còi rúc ở Brô-đư. Mọi người ngước mắt nhìn lên bầu trời.