và Nhật bản. Cả hai lại còn đoàn kết hơn nữa trong chiến tranh Triều tiên.
Theo thời gian, mối quan hệ thân thiết này dần dần lạnh nhạt. Là những
người cộng sản mới thành công trong việc chiếm được chính quyền còn
nhiều tự tin và quá khích, cộng sản Trung hoa tin rằng thế giới sẽ được giải
phóng bằng đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Vì thế họ thấy bất
mãn khi Kroushchev trong năm 1956 công khai tuyên bố không còn coi
chiến tranh giữa hai khối cộng sản và tư bản là một quy luật tất yếu. Hai
bên có thể sống chung hoà bình và phe cộng sản vẫn có thể giành được
thắng lợi bằng những phương cách đấu tranh chính trị hay tranh cử nghị
viện. Năm 1958, khi Trung hoa mưu chiếm hai đảo Kim Môn và Mã Tổ
thuộc Đài loan, họ hy vọng Liên xô giúp đỡ, nhưng nước này tỏ vẻ thờ ơ.
Trung hoa càng bất mãn hơn khi Liên xô thiên về Ấn độ trong cuộc tranh
chấp Ấn-Hoa năm 1959. Một năm trước đó, Trung hoa phát động đại nhảy
vọt, tiến lên xã hội chủ nghĩa một cách quá khích, không theo khuôn mẫu
Liên xô, Liên xô coi đó như một hình thức thách đố địa vị đàn anh của
mình trong khối cộng sản. Từ đó, Liên xô gọi Trung hoa là giáo điều, chấm
dứt mọi viện trợ, còn Trung hoa cũng gọi Liên xô là xét lại.
Năm 1962, sự rạn nứt giữa hai quốc gia trở nên thù nghịch khi Liên xô
đứng hẳn về phe Ấn độ trong cuộc chiến tranh biên giới Ấn-Hoa. Kể từ đó
hai bên dần dần tăng cường quân đội ở biên giới. Trung hoa bắt đầu coi
Liên xô như một mối đe doạ chính kể từ năm 1968, khi Liên xô trắng trợn
đem quân vào Tiệp khắc, lật đổ chính phủ cấp tiến Alexander Dubcek,
Trung hoa gọi đó là một hành vi xâm lăng thô bạo. Trong khi đó, Liên xô
gọi đó là “chủ thuyết Brezhnev” hay “chủ thuyết quyền tự quyết giới hạn
của những quốc gia xã hội chủ nghĩa” theo đó trong trường hợp một quốc
gia xã hội chủ nghĩa bị đe doạ, những quốc gia xã hội chủ nghĩa khác có
nghĩa vụ đem quân can thiệp. Lý thuyết này biện minh cho những hành
động xâm lăng và Trung hoa thấy mình có thể là mục tiêu kế tiếp. Một cuộc
đụng độ lớn ở biên giới vào tháng 3-1969 làm Trung hoa không còn nghi
ngờ gì về tham vọng bành trướng đất đai của Liên xô, vì thế mà quá khích
như Mao Trạch Đông cũng phải chấp nhận chính sách xáp lại gần Hoa kỳ
và coi Liên xô như kẻ thù số một.