Hoàng Dung
Chiến tranh Đông dương 3
P12
Mục tiêu và sách lược chuẩn bị chiến tranh của Trung hoa
Đường lối thân Liên xô của Việt nam và thái độ thách đố uy tín của Trung
hoa qua chính sách đối với người Hoa cũng như hành động ngang nhiên tấn
công và chiếm đóng Campuchia khiến Trung hoa cảm thấy cần phải cho
Việt nam “một bài học”. Sau khi đã đổ hai mươi tỷ mỹ kim viện trợ cho
Việt nam, sự trở mặt của Việt nam rõ ràng là một hành động phản bội thô
bạo đối với một dân tộc từng coi trọng hai chữ tín nghĩa. Do đó, việc trừng
phạt Việt nam đã được sự đồng tình của tất cả những cấp lãnh đạo trong
Trung ương Đảng Trung hoa, kể cả những phần tử ôn hoà như Hứa Thế
Hữu, tư lệnh quân khu Quảng Châu, trong cuộc Cách mạng văn hoá, dù bị
Hồng vệ binh tố cáo, xách nhiễu, vẫn cố gắng để cho những chuyến tàu
viện trợ vũ khí cho Bắc Việt được chạy thông suốt. Mấy tháng trước, Trung
hoa đã trừng phạt bằng cách chấm dứt viện trợ kinh tế, nhưng Việt nam
phản ứng lại bằng cách gia nhập khối Comecon, liên minh quân sự với Liên
xô rồi xâm lăng Campuchia, Trung hoa không còn biện pháp nào khác
ngoài biện pháp quân sự.
Việc sử dụng biện pháp quân sự của Trung hoa đã được nêu ra thảo luận và
chấp thuận trong những buổi họp liên tiếp của Trung ương đảng cộng sản
Trung hoa cuối năm 1978. Trong những buổi họp này, nhiều biện pháp
được đưa ra, trong đó có đề nghị của Uỷ viên Bộ Chính trị Uông Đông
Hưng đem quân trực tiếp tham chiến ở Campuchia, của tư lệnh quân khu
Quảng Châu Hứa Thế Hữu ào ạt xâm lăng Việt nam, và của chính uỷ hải
quân Sử Chấn Hoa, đem hạm đội Đông Hải xuống vịnh Thái lan yểm trợ
vùng duyên hải Campuchia. Cuối cùng Trung ương Đảng chấp thuận kế
hoạch “phản công tự vệ giới hạn” của Đặng Tiểu Bình.
Cuộc tấn công vào Việt nam của Trung hoa nhằm vào nhiều mục tiêu. Thứ
nhất là làm suy yếu tiềm năng quân sự, nhân sự và kinh tế của Việt nam,
trừng phạt một đàn em phản bội, lấy lại uy tín nước lớn. Thứ hai là đoàn