Không nản chí, cuối tháng 9-1975 Lê Duẩn và Lê Thanh Nghị lại sang
thêm một lần nữa. Cuộc tiếp đón mới đầu diễn ra thân thiện cho tới khi
Đặng Tiểu Bình, lúc đó vừa được phục chức Phó Thủ tướng, sau khi bị
thanh trừng lần thứ nhất, trong buổi tiệc tiếp tân đã đề cập đến “chủ nghĩa
bá quyền” và ám chỉ rằng Việt nam nên liên kết với Trung hoa để chống lại
Liên xô. Tuy nhiên, trong đáp từ, Lê Duẩn đã không đả động gì đến bá
quyền mà còn cám ơn tất cả “những nước xã hội chủ nghĩa anh em” dĩ
nhiên trong đó có Liên xô, trong cuộc đấu tranh chống đế quốc. Sự từ chối
không liên kết với Trung hoa của Lê Duẩn đưa đến kết quả là Trung hoa từ
chối viện trợ. Lê Duẩn cũng từ chối thảo thông cáo chung và huỷ bỏ tiệc
liên hoan đáp lễ. Ngày 25-9-1975 Lê Duẩn đáp xe lửa đi Thiên Tân trở về
nước. Một tháng sau, Lê Duẩn sang Liên xô. Trái với chuyến đi Trung hoa
vừa rồi, tại đây Lê Duẩn ký với Liên xô một thông cáo chung trong đó Việt
nam nhất trí với Liên xô trong đường lối đối ngoại. Đối với Trung hoa, kể
từ ngày đó, Việt nam đã công khai đầu hàng chủ nghĩa bá quyền và đứng
trong hàng ngũ đối lập với Trung hoa.
Việt nam lúc đó đã ý thức được vị thế đối lập của mình với Trung hoa và sự
liên kết giữa Trung quốc và Campuchia, nên đã lợi dụng thời gian mà cuộc
tranh chấp quyền lực ở Trung hoa đi tới giai đoạn cực độ để củng cố hoàn
cảnh của mình. Trước hết, họ loại Hoàng Văn Hoan, một nhân vật thân Bắc
kinh ra khỏi Bộ Chính trị. Sau đó, họ bất thần triệu tập hội nghị sơ bộ ở Đà
Lạt bàn về việc thống nhất hai miền Nam Bắc. Trưởng phái đoàn miền Bắc
là Trường Chinh, nhân vật số hai của Đảng, còn trưởng phái đoàn miền
Nam là Phạm Hùng, nhân vật thứ tư, dĩ nhiên hội nghị đưa đến kết quả nhất
trí. Trung hoa chỉ có thể phản ứng lại một cách yếu ớt, bằng cách công bố
chủ quyền của họ trên quần đảo Trường Sa. Việt nam vẫn không nao núng.
Tháng 2-1976, để chuẩn bị bầu quốc hội cả nước, họ bắt tất cả nhân dân
trong nước phải khai quốc tịch. Những người không nhận quốc tịch Việt
nam bị mất hộ khẩu và khẩu phần. Dĩ nhiên, đại đa số Hoa kiều phải nhập
tịch Việt nam. Lần này Trung hoa phản kháng dữ dội, nhưng Việt nam vẫn
không nhượng bộ. Đây là những đụng chạm đầu tiên về vấn đề Hoa kiều ở
Việt nam giữa hai chính phủ. Sau khi đã thắt chặt được sự kiểm soát nhân