nhiều tác giả
Chiến tranh nhìn từ nhiều phía
Nguyễn Khánh Long dịch
Chung một Chiến Hào
Đỗ Kh.
Giáng sinh năm 1980, tôi làm nhân viên phụ trội và ngoại ngạch của sở
Bưu chính Hoa kỳ. Đây là việc nhà nước, lại ở cấp thấp, nên đồng nghiệp
chung quanh rất nhiều người da màu (nhờ chính sách không phân biệt
chủng tộc), đại đa số là người Mỹ gốc Phi châu, từ politically correct để chỉ
những người da đen.
Tôi làm ca đêm, thuộc đơn vị bổ sung, chỉ đâu đánh đó, để đáp ứng kịp nhu
cầu bưu thiếp, bưu phẩm tràn ứ của dịp lễ cuối năm. Có đêm cả đội ra cảng
gỡ cả một chuyến tàu, có đêm di chuyển đến một trung tâm nào đó giúp
vào việc phân phối. Một bận như vậy, lên xe ngồi, có anh bạn da đen thốt
“Nó chuyển mình đi một đồn điền mới!” Ít khi nào tôi có dịp ở tại ngay cơ
quan sàng lọc bưu phẩm cạnh ga tàu lửa Union Station của thành phố Los
Angeles.
Việc ở đây tương đối nhẹ nhàng hơn, không phải bốc vác những bịch năm
bảy chục cân Anh nhưng phải luôn nhanh tay và nhanh mắt. Thư, sao mà
lắm thế, được máy đưa liên tục đến chỗ ngồi, mỗi người một phận sự, thí
dụ tôi được chỉ định mã số cuối là số 7 của khu bưu chính, cứ thư nào có
địa chỉ mã kết thúc bằng số này là tôi bấm nút để nó tách ra riêng. Người
ngồi cạnh lo canh số 6, số 8, cứ như vậy làm việc theo dây chuyền và theo
nhịp đã được ấn định, nếu một người lơ là thì ảnh hưởng đến tất cả, máy
ngưng lại, đèn bật, chuông reo, xếp đang đi rảo sau lưng dừng lại viếng và
hỏi có vấn đề gì.
Ở ngoài đội sai vặt và đắp chỗ này, tôi không quen ai ở Trung tâm chính vì
bản chất của việc làm không cố định. Có lần, một người đàn ông da đen đã
đứng tuổi, phục phịch trạc 50, lại gần tôi hỏi “Were you in ‘Nam?” Tôi
cũng ngạc nhiên, vì dạo đó tôi còn rất trẻ, chẳng có vẻ gì giống một cựu
chiến binh. Ông ta nói: