HB: Tôi không tham gia tổ chức cộng đồng nào, không phải vì tâm lý phản
bác như cô họa sĩ Sabina của Kundera. Các con tôi lại càng không tham
gia. Nhưng chúng tôi và những người khác không quay lưng ngoảnh mặt
với đất nước, chúng tôi giúp bà con, bạn bè, đồng bào và đất nước, theo
cách của chúng tôi. Các con tôi làm việc cho chính phủ đều ký tặng trừ
lương hàng tháng cho chương trình CFC (Combined Federal Campaign) để
nhờ họ chuyển tiền đến các tổ chức giúp đỡ người tàn tật, trẻ bụi đời, trẻ
mồ côi ở Việt Nam, trường dạy nghề... Vô số các tổ chức NGO (Non
Governmental Organization) hoạt động cho các dự án liên quan đến việc
cho người nghèo vay vốn, xây dựng trường học, xóa đói giảm nghèo, cứu
lụt, cứu hạn....cũng nhận được sự đóng góp tài trợ của rất nhiều người Việt
nước ngoài. Cũng kể đến số tiền hàng tỉ mà Việt kiều gửi về cho không
biếu không bà con, họ hàng, bạn bè trong nước.
TVT:Vắn tắt thì cộng đồng người Việt, cộng đồng gốc Á châu được đánh
giá như thế nào ở Mỹ?
HB: Cộng đồng nào cũng có cái tiêu cực và tích cực. Nhưng nếu nói
chung, cộng đồng di dân châu Á ở Mỹ thường được đánh giá khá cao, so
với các cộng đồng khác. Thí dụ, cộng đồng người da đỏ theo thống kê là có
tỉ lệ tự tử cao nhất, các cộng đồng Nam Mỹ thì thường dính líu ít nhiều đến
tệ nạn xã hội. Cộng đồng đến từ châu Á, trong đó có Việt Nam, được coi là
cộng đồng tương đối có nhiều thành công trong việc hội nhập xã hội mới.
Con số con em người Việt được đào tạo từ các trường đại học Mỹ để trở
thành các chuyên gia trong nhiều lãnh vực là một con số lạc quan.
TVT: Liên hệ của chị với người thân, bạn bè trong nước ra sao?
HB: Liên hệ bằng tình người. Người thân thì có bổn phận liên hệ đỡ đần đã
đành. Với tôi, bạn bè, không lưu ý chính kiến, bạn nào dễ thương chơi hợp
thì kết bạn, trao đổi thư từ, email, điện thoại...Bình thường, như những
người bạn trên đời mà ta muốn gặp.
TVT:Chị không thích chơi với loại người nào?