Cắm cười nhóm nhém:
- Bà vừa sang đây, đã cho anh trứng, giờ em anh lại cho anh gạo. Bà
nói em đi xát gạo ở cối ngàn. Cái cần cối của nhà hỏng rồi nhỉ? Hôm nay
anh đi rừng sẽ tìm cây chò chỉ
về làm lại cái khác cho nhé.
Hai anh em mới nói được từng ấy câu, cầu thang đã lịch bịch tiếng chân
người và tiếng gọi ơi ới. Thì ra người này rỉ tai người kia, chả mấy lúc mọi
người trong làng đều biết Cắm mới về, và bây giờ kéo tới thăm. Cắm đứng
dậy, kêu to:
- Húi! Lại cả các cụ bên làng Thác. Cả bác Yểng nữa. Đông quá!
Chị Yên đặt siêu nước lá ổi lên bếp. Khách bước vào nhà là sà xuống,
vây quanh cái bếp đặt chìm giữa lòng sàn đang lom đom lửa.
Cắm trải chiếu, mời mãi mấy cụ già mới chịu ra ngồi. Các bà chẳng
khách sáo, ngồi ngay xuống cạnh cái guồng quay chỉ, gần chị Yên, thì thào
vào chuyện ngay. Người bảo: Thôi, được người về là mừng rồi, cháu à.
Người nói: Người làm ra của chứ của làm sao được ra người. Rau cải bên
nhà còn đầy vườn đấy, hái về anh ấy ăn cho đỡ háo, cô Yên à.
Cánh đàn ông chuyện trò có phần ồn ã hơn. Một ông trạc năm mươi
ngồi xếp chân bằng tròn, bàn chân phải bị tật, lật ngửa, trông bèn bẹt, bóng
như vết sẹo, nhấc chén nước lên lại đặt xuống, vẻ mặt nghiêm nghị:
- Cái đời này khổ quá rồi. Anh Cắm đi có biết hết chuyện ở nhà không?
Hứ! Bổ nộp thóc gạo, lợn gà cho đồn Tây này. Lấy nước chạy cối ngàn độc
quyền xay xát thóc gạo, không cho dân lấy nước làm ruộng này.
Một người trai trẻ mập mạp, vai xuôi, chíp chíp miệng:
- Mười tám tuổi rồi đây. Kiếm đâu được mấy đồng bạc đóng thuế thân
bây giờ?