- Đa tạ Tiết chế quá khen Khoái mỗ này là gì không quan trọng. Chỉ biết
rằng lòng trung với Đại Việt với hai Thánh thượng và với Tiết chế thì có
trời xanh chứng giám. Nếu từ nan bất cứ việc gì thì chết sẽ không có đất
chôn thây…
Hưng Đạo vương lấy làm hài lòng lắm. Người quay sang nói với viên
giám quân và viên quan coi sóc quân lương:
- Hai ngươi phải hết lòng giúp đỡ Khoái Đô tướng nhé! Sau này công
của hai ngươi cũng không nhỏ đâu!
- Dạ! Bẩm Tiết chế hai người chúng tôi xin đem hết lòng khuyển mã.
Nếu có điều gì sơ sảy sai sót, Tiết chế cứ cho chặt đầu, bêu lên ba ngọn sào
để răn người khác ạ!
Cả hai đều ứng khẩu đồng từ khiến Hưng Đạo vương càng cảm thấy yên
tâm.
Từ cửa sông Bạch Đằng, Hưng Đạo vương sai nhổ trại hành binh xuống
phía nam nhằm Hồng Lộ thẳng tiến. Trên đường đi người hỏi Ngũ Lão:
- Con có biết vì sao ta lại lệnh cho Nguyễn Khoái chuyển quân không?
- Dạ! Bẩm thưa cha con cũng như Nguyễn Khoái đều chưa hiểu ngầm ý
ở bên trong là gì ạ!
- Ngươi không hiểu thật hay giả vờ ngây ngô như Nguyễn Khoái đó?
- Dạ! Bẩm thưa cha, có việc gì con giấu được cha từ trước đến nay đâu ạ!
- Kế của ta đã định. Nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Đến như con mà
cũng không biết là tốt rồi. - Hưng Đạo vương nói với Ngũ Lão mà cũng
như nói với chính mình.
- Tống tướng Triệu Trung là người thế nào? - Người hỏi Ngũ Lão tiếp.
- Dạ! Bẩm thưa cha Triệu Trung quê ở Hạ Khẩu bên bờ sông Trường
Giang. Võ nghệ và sức lực cũng có thể xếp ngang với bọn Lý Hằng, Lý
Quán, Phàn Tiếp của Nguyên Mông. Duy Triệu Trung có tài huấn luyện
thủy quân, vì từ nhỏ đã sinh sống bên bờ sông lớn. Triệu Trung mang ơn rất