với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế thì nhất thiết phải hiểu
biết về những đối tác của mình.
Hơn thế nữa, hai chục năm đã trôi qua kể từ khi đất nước ta chọn lựa
chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường. Những biến đổi kinh tế dẫn
đến nhiều đổi thay lớn, tốt cũng như xấu, trong xã hội. Tình hình tất yếu
đòi hỏi phải có những điều chỉnh đối với các thiết chế tổ chức xã hội và để
thực hiện việc này một cách đúng đắn thì phải học hỏi tri thức của nhân
loại. Chúng tôi cho rằng tác phẩm Chính thể đại diện của J. S. Mill xứng
đáng để chúng ta quan tâm tham khảo. Tác phẩm này từ thời Minh Trị đã
được người Nhật dịch sang tiếng Nhật với nhan đề “Chính thể đại nghị”.
Chúng tôi không dùng cách chuyển ngữ này vì e ngại độc giả hiểu lầm chủ
đề của tác phẩm chỉ giới hạn thảo luận về loại chính thể có hình thức nghị
viện nhất định. Nhưng trong suy tưởng của J. S. Mill thì “chính thể lý
tưởng tốt nhất là hình thức chính thể trong đó chủ quyền, hay quyền kiểm
soát tối cao như một phương sách cuối cùng được trao cho toàn thể khối
tập hợp cộng đồng; mỗi một công dân không chỉ có tiếng nói trong việc vận
dụng chủ quyền cơ bản ấy mà còn ít nhất cũng thỉnh thoảng được yêu cầu
tham gia thực sự vào việc cai trị bằng cách đích thân thực hiện một chức
năng nào đó, mang tính địa phương hay tổng quát”. (Chương III). Ông
viết: “Người ta phán xét chính thể thông qua tác động của nó lên con
người, tác động của nó lên những sự việc, thông qua việc nó tạo nên các
công dân như thế nào và nó làm gì với họ; xu thế của nó là cải tiến hay làm
hư hỏng bản thân dân chúng, tính tốt xấu của việc làm mà nó thực hiện cho
họ và thông qua họ”. (Chương II).
Như vậy chúng ta thấy ông không có ý đề ra một khuôn mẫu hình thức
cứng nhắc nào để đạt được chính thể lý tưởng mà luôn ý thức rõ ràng rằng
mỗi dân tộc phải tự tìm cho mình một kiểu cách tổ chức các thiết chế, sao
cho thích hợp nhất với các đặc điểm cũng như trình độ tiến bộ của dân
chúng. Có thể nêu ra một số điểm quan trọng trong nội dung tác phẩm như
sau: