Lời nói đầu
Là một nhà bác học, Aristotle đã để lại cho hậu thế một kho tàng tư tưởng
đồ sộ về nhiều phương diện như triết học, khoa học, toán học, thiên văn
học, và chính trị học. Chính Trị Luận là một trong những tác phẩm kinh
điển của Aristotle về triết lý và lý thuyết chính trị của Tây phương, và trên
nền tảng này những lý thuyết chính trị khác - như của Cicero, St.
Augustine, Aquinas (cổ đại), Hobbs, Rousseau, Locke (thời hiện đại và
Khai Sáng) - đã được xây dựng và phát triển. Mãi cho tới hôm nay, Chính
Trị Luận vẫn còn là một trong những cuốn sách phải đọc của sinh viên
ngành khoa học chính trị và được học giả thế giới công nhận là một trong
những cuốn sách vĩ đại của nhân loại.
Lâu nay, chúng ta vẫn thường hiểu chính trị theo nghĩa xấu là những mưu
đồ tranh chấp quyền lực, bất chấp đạo đức nên giữ thái độ “kính nhi viễn
chi” với chính trị, nhưng chỉ với câu nói bất hủ “Con người là một sinh vật
chính trị,”
Aristotle đã lý giải là con người không thể tách rời khỏi đời
sống chính trị của cộng đồng mà nó sinh sống. Chính trị, tự nó không xấu,
chỉ có những mô hình và chế độ chính trị do con người tạo ra mới có tốt và
có xấu vì không nhận thức rõ được về bản chất của con người.
Điều thú vị khi đọc những vĩ nhân Tây phương là thái độ và tinh thần phê
phán khoa học của họ, dù ngay đối với những nhận định của các bậc thầy
của mình. Trong Chính Trị Luận, Aristotle đã phê phán cái mô hình chính
trị lý tưởng do Plato - thầy của ông - đề ra trong tác phẩm Cộng Hoà. Chính
Trị Luận còn miêu tả cho người đọc bối cảnh văn hoá, tập tục, lịch sử và
chính trị của Tây phương cổ thời mà Hy Lạp là một thí dụ điển hình, cũng
như quan niệm của Tây phương về đời sống xã hội, đạo đức và tâm linh.